Theo báo cáo mới nhất của USDA, dự báo về sản lượng lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 779,6 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 0,4 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, Trung Quốc vượt EU trở thành nước có sản lượng lúa mỳ cao nhất thế giới, đạt 138 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 1,1 triệu tấn so với niên vụ trước.
EU là khu vực có sản lượng lúa mỳ cao thứ 2 thế giới, đạt 132 triệu tấn, giảm 2,1 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 6,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiếp theo là sản lượng của Ấn Độ đạt 103 triệu tấn, giảm 6,6 triệu tấn so với niên vụ trước; Ucraina giảm 13,5 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt 19,5 triệu tấn…
Sản lượng lúa mỳ của một số nước tăng mạnh trong niên vụ 2022/23 như: Sản lượng của Canada đạt 35 triệu tấn, tăng 13,3 triệu tấn; Nga đạt 88 triệu tấn, tăng 6,5 triệu tấn; của Mỹ đạt 48,5 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so với niên vụ trước…
Thương mại lúa mỳ toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 208,1 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 3,6 triệu tấn so với niên vụ 2021/22.
Trong đó, lượng lúa mỳ xuất khẩu của một số khu vực tăng so với niên vụ trước như: EU đạt 33,5 triệu tấn, tăng 1,8 triệu tấn; Canada đạt 26 triệu tấn, tăng 11 triệu tấn; Nga đạt 42 triệu tấn, tăng 9 triệu tấn và Mỹ đạt 23 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước.
Lượng xuất khẩu lúa mỳ của một số nước giảm so với niên vụ trước như: Achentina giảm 4,2 triệu tấn, đạt 13,5 triệu tấn; Australia giảm 0,3 triệu tấn, đạt 26 triệu tấn; Ấn Độ đạt 8 triệu tấn, giảm 0,4 triệu tấn…
Về nhập khẩu, Indonesia vượt Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 11,2 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, tăng 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiếp đến là Ai Cập đạt 11 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn; Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu 10,25 triệu tấn, tăng 0,75 triệu tấn; Trung Quốc nhập khẩu 9,5 triệu tấn, giảm 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước…
USDA dự báo tiêu thụ lúa mì toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 788,6 triệu tấn, giảm 4,4 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 4,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Cụ thể: Tiêu thụ lúa mỳ của EU đạt 107 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo trước và giảm 1,75 triệu tấn so với niên vụ 2021/22; Tiêu thụ của Ấn Độ đạt 104,5 triệu tấn, giảm 5,4 triệu tấn so với niên vụ trước; Tiêu thụ của Mỹ đạt 30,4 triệu tấn, giảm 0,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó, tiêu thụ lúa mỳ của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ lúa mỳ lớn nhất thế giới giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022/23, xuống còn 144 triệu tấn.
Tồn kho lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2022/23 dự kiến đạt 267,4 triệu tấn, giảm 0,2 triệu tấn so với dự báo trước và tương đương với niên vụ 2021/22. Trong đó, tồn kho lúa mì tại Trung Quốc dự kiến đạt 144,4 triệu tấn, giảm 3,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
Tồn kho lúa mì của Mỹ trong niên vụ 2022/23 cũng giảm xuống mức 16,6 triệu tấn, giảm 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước. Tồn kho lúa mỳ của Ấn Độ đạt 11,5 triệu tấn, giảm 8 triệu tấn so với niên vụ trước.
Về giá:
Giá lúa mì của Mỹ tại thời điểm trung tuần tháng 9/2022 tăng so với tháng trước do tồn kho lúa mỳ giảm, trong khi giá lúa mỳ ở một số thị trường khác như Nga, Ucraina… giảm do nguồn cung dồi dào.
Cụ thể, giá xuất khẩu lúa mì mềm đỏ mùa Đông của Mỹ tăng 41 USD/tấn so với tháng trước, đạt 387 USD/tấn và tăng 107 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu lúa mì tại Nga 12,5 protein đạt 310 USD/tấn, giảm 23 USD/tấn so với tháng trước nhưng tăng 72 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ và các nước dự kiến giảm trong tháng tới do ảnh hưởng của nguồn cung tăng tại Nga, Ucraina…
(nhachannuoi.vn)