Xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng so với tháng 8, kim ngạch vẫn giảm 15%. Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu cuối năm khi tồn kho tại Mỹ cạn dần và nhu cầu mua hàng để phục vụ cho dịp lễ tết tăng lên.
Xuất khẩu cá tra tháng 9: “Xanh vỏ đỏ lòng”
Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 9 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ như Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Australia, Singapore… Xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức trong tháng 9 tăng gấp 41 lần so với cùng kỳ và xuất khẩu sang Peru tăng gấp 17 lần.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng các mức tăng trưởng đột phá trên không phải là tín hiệu lạc quan vì tháng 9/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu cá tra sụt giảm xuống mức thấp nhất.
“Hơn nữa, thông thường hàng năm vào tháng 9 sắp vào mùa cao điểm có nhiều đơn hàng cho dịp lễ cuối năm và năm mới, nhưng năm nay, kim ngạch cá tra tháng 9 lại thấp hơn 15% so với tháng 8. Trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mexico, Brazil, Anh, Canada, Hà Lan, Colombia đều có mức nhập khẩu cá tra thấp hơn 17-36% so với tháng 8”, VASEP nhận định.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ở một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn khi so với cùng kỳ năm ngoái kim ngạch tăng mạnh nhưng so với tháng 8 tiếp tục đà giảm.
Điển hình như CTCP Vĩnh Hoàn với kết quả kinh doanh tháng 9 với doanh thu xuất khẩu đạt 917 tỷ đồng, tăng 35% so với tháng 9/2021 và giảm 28% so với tháng 8 trước đó.
Trong đó,mảng cá tra ghi nhận doanh thu 540 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng sản phẩm phụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, lần lượt 61% và 50%. Còn các sản phẩm hỗn hợp khác thu về 83 tỷ, gấp 6,3 lần tháng 9/2021.
Theo SSI Research, mặc dù Vĩnh Hoàn chủ yếu ký hợp đồng FOB, công ty phải chia sẻ chi phí vận chuyển với các nhà nhập khẩu để thúc đẩy doanh thu và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong giai đoạn lạm phát hiện nay khi nhu cầu suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty trong quý III.
Với CTCP Nam Việt, SSI Research ước tính trong tháng 8, công ty ghi nhận nhận doanh thu thuần 320 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ, giảm 24% so với tháng 7) với giá bán bình quân là 2,4 USD/kg (tăng 29% so với cùng kỳ, tăng 3% so với tháng 7)
Nam Việt bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ với doanh thu đạt 20 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% tổng doanh thu trong tháng 8/2022). Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm từ 4,8 USD/kg trong quý II xuống 4,3 USD/kg trong quý III.
Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ giảm dần
Lũy kế 9 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra của cả nước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn dẫn đầu tỷ trọng, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cá tra với 589 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ.
Thị phần cá tra tại Trung Quốc và Hồng Kông vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu cá đông lạnh của Trung Quốc, khoảng 14 – 15%. Tuy nhiên, việc Trung Quốc nới lỏng cơ chế kiểm tra COVID-19, không đình chỉ nhập khẩu khi phát hiện lô hàng bị nhiễm virus Sars-CoV-2 được cho là sẽ giải toả tâm lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này.
Tỷ trọng của Mỹ có xu hướng giảm dần, chiếm 23% với 454 triệu USD, giảm 2 điểm phần trăm so với giai đoạn 6 tháng đầu năm. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, 8 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu trên 96 nghìn tấn cá tra phile đông lạnh, trị giá trên 405 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và 95% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá trung bình nhập khẩu cá tra phile đông lạnh vào Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù xuất khẩu sang EU vẫn tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ, nhưng thị trường này chỉ chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra với gần 160 triệu USD. Trong đó, top 3 thị trường trong khối này gồm Hà Lan, chiếm 2,2% với trên 44 triệu USD, tiếp đến là Đức với trên 21 triệu USD và Bỉ với gần 16 triệu USD.
Khối CPTPP chiếm 13% xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm với gần 260 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra có thể phục hồi vào cuối năm?
VASEP dự báo đơn hàng cá tra có thể nhích lên trong tháng 10 là tháng đỉnh điểm của mùa giao dịch cuối năm. Hiện nay nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang giảm, giá cá nguyên liệu đang tăng lên.
Hiệp hội kỳ vọng nhu cầu sẽ hồi phục và giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường sẽ ổn định hoặc tăng trở lại, để cá tra năm 2022 có thể về đích với kỷ lục xuất khẩu 2,5 tỷ USD, tăng 54% so với năm 2021.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự đoán xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ khả quan hơn trong những tháng còn lại của năm 2022 khi tồn kho giảm và nhu cầu nhập khẩu cuối năm tăng.
Ngoài ra, lạm phát ở Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm và thủy sản của nước này hướng tới các sản phẩm giá cả phải chăng như cá tra.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành Kết quả cuối cùng của Cuộc rà soát quản lý thuế chống bán phá giá lần thứ 18 (POR18). Theo đó, DOC đã giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng công ty dựa trên kết quả của POR17. Do đó, quyết định này không ảnh hưởng đến xu hướng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay.
“Trong quý IV/2022, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu cá tra sẽ dần cải thiện so với quý III, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Mỹ. Các đơn đặt hàng dần được nối lại vào quý IV để đáp ứng nhu cầu cao trong dịp lễ hội cuối năm ở nhiều quốc gia và lượng hàng tồn kho cao đang dần được giải phóng. Giá cá tra nguyên liệu phục hồi báo hiệu nhu cầu và giá bán sẽ vẫn ở mức cao trong quý IV” VDSC nhận định.
Theo đó, các công ty trong ngành sẽ có kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý III nhưng sẽ dần hồi phục trong quý IV, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với mức đỉnh trong quý II.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)