Nhiều hướng giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm được đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch hoạt động năm 2023 của VIFA.
Năm đầy khó khăn
Sáng 24/3, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIFA) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và kế hoạch hoạt động năm 2023 tại Bình Định, tham dự có đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi Việt Nam cùng 65 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp trong nước và hiệp hội các tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIFA, năm 2022, hậu Covid-19 còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, Việt Nam không ngoại lệ. Do đó, ngành chăn nuôi của nước ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ấy, VIFA đã phát huy vai trò bằng hiệu quả của những hoạt động mấu chốt, giúp các doanh nghiệp thành viên vượt khó duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động.
Đặc biệt là công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của VIFA; trong đó có nhóm liên kết sản xuất con giống-thức ăn chăn nuôi-thuốc thú y; nhóm liên kết sản xuất con giống-cung cấp thức ăn chăn nuôi; nhóm liên kết phát triển thủy cầm; nhóm sản xuất và chế biến-tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
Tiếp đến là hoạt động phản biện xã hội, tham gia xây dựng thể chế, chính sách, đó là hoạt động nổi bật của VIFA trong năm 2022. Theo đó, VIFA đã chủ động tham gia tư vấn xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới; đồng thời kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến ngành chăn nuôi gia cầm. Những hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích, tập huấn kỹ thuật, quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên.
Theo VIFA, nếu trong năm 2021, tổng đàn gà cả nước sản xuất khoảng 50-60 triệu con/tháng thì bước sang 3 quý đầu năm 2022 giảm xuống còn 33-35 triệu con/tháng. Mức sụt giảm mạnh nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ và gia trại không liên kết; sản lượng trứng vào năm 2021 đạt bình quân 40-41 triệu quả/ngày thì đến 3 quý đầu năm 2022 giảm chỉ còn 32-33 triệu quả/ngày. Những tháng cuối năm 2022, ngành sản xuất, kinh doanh gia cầm đã có sự phục hồi, nhưng vẫn chưa thể lấy lại phong độ cũ.
“Tuy nhiên, tính cả năm 2022, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 1,8-2% so với năm 2021, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 3,2% so với năm 2021 và tăng 25,9% so với kế hoạch, sản lượng trứng gia cầm cả năm 2022 ước tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được khoảng trên 9.000 tấn thịt gà chế biến, đạt kim ngạch trên 43 triệu USD”, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch VIFA cho biết.
Cơ hội và thách thức trước mắt
Bước sang năm 2023, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã le lói một số cơ hội nhưng nhưng có nhiều thách thức hiển hiện phía trước. Theo nhận định của VIFA, năm 2023 mọi hoạt động của xã hội đã trở lại bình thường kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng lên.
Đặc biệt, ngành du lịch trong nước và quốc tế đã sôi động trở lại; các trường học đã lại hoạt động bình thường, chắc chắn nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sẽ tăng hơn so nhăng năm gần đây, theo đó nhu cầu thịt và trứng gia cầm cũng sẽ tăng theo. Đây là cơ hội để ngành chăn nuôi gia cầm lấy lại đà tăng trưởng, dự báo của VIFA là chăn nuôi gia cầm sẽ phục hồi trong quý II/2023.
Một cơ hội nữa là Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mới, trong đó có chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… đây cũng là động lực thúc đẩy tăng nhu cầu tiêu dùng, theo đó, sản phẩm và trứng gia cầm cũng sẽ được tiêu thụ mạnh hơn.
Tuy nhiên, trong năm nay, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn chưa thoát được khó khăn bởi “di chứng” của việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch Covid-19 trước đây và xung đột giữa Nga và Ukraine làm ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào của thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới không ngừng tăng, khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước cũng tăng theo. Đặc biệt, giá ngô, đậu tương và lúa mì tiếp tục neo cao so với mức giá trung bình các năm gần đây, thậm chí đang có xu hướng tăng mạnh trở lại”, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch VIFA cho hay.
Trước bối cảnh khó khăn kể trên, theo ông Sơn, trong năm 2023, VIFA sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải quyết khó khăn về pháp lý và thị trường cho các doanh nghiệp; liên tục cập nhật thông tin giá cả, dự báo thị trường cung cấp cho các doanh nghiệp. Hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của nhóm liên kết giao thương nội khối và hợp tác chiến lược; xây dựng các nhóm liên kết hiệu quả hơn.
Ông Phan Trọng Hổ, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Bình Định, kiến nghị: “Hiệp hội cần phân tích, đánh giá xem khó khăn trong chăn nuôi gà hiện nay ở Việt Nam phải chăng là do hạn chế trong tổ chức sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi hay là do có một số tập đoàn chăn nuôi gia cầm lớn đang thao túng nhằm chiếm lĩnh con gà ta của Việt Nam, mạnh dạn đề xuất với Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành có liên quan để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn”.
Tại hội nghị, VIFA đã tặng bằng khen cho các doanh nghiệp thành viên đạt nhiều thành tích trong hoạt động của năm 2022.
“Căn cứ tình hình sản xuất và thị trường gia cầm hiện nay, VIFA khuyến cáo các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm cần tính toán quy mô đàn hợp lý để tránh cung vượt cầu. Sản lượng thức ăn và thuốc thú y giữ mức độ tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm. VIFA sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh giao thương nội khối và xây dựng những nhóm liên kết mạnh; hỗ trợ 1 số doanh nghiệp xuất khẩu con giống, thịt và trứng gia cầm chế biến sang các nước trong khu vực; triển khai đề án và thí điểm cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm của VIFA bao gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thiết bị chuồng trại và sản phẩm gia cầm chế biến…”, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch VIFA.
Vũ Đình Thung – Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)