Theo chuyên gia trong ngành chăn nuôi, để giá heo hơi cải thiện trong giai đoạn cuối năm, việc trước mắt là kiểm soát heo nhập lậu. Về dài hạn, ngành cần hướng đến đẩy mạnh xuất khẩu.
Giá heo hơi vẫn giảm dù đã qua giai đoạn thấp điểm
Giá heo hơi liên tục giảm thời gian gần đây ngay cả khi đã qua tháng 7 âm lịch – giai đoạn thấp điểm hàng năm do nhiều người ăn chay. Ngay cả trong dịp trung thu, nhu cầu tiêu thụ thịt heo năm nay cũng không tăng lên trong khi nguồn cung vẫn ổn định, gây áp lực lên giá.
Tính đến ngày 5/10, giá heo hơi dao động trong khoảng 50.000 – 54.000 đồng/kg, thấp hơn 16% so với mức đỉnh gần 1 năm thiết lập hồi tháng 7.
Với chi phí nuôi của toàn ngành dao động khoảng 49.000 – 53.000 đồng/kg, ở mức giá hiện tại, nhiều hộ nuôi bắt đầu lỗ còn với doanh nghiệp nuôi khép kín vẫn có lãi những không nhiều.
“Nguồn cung từ các trang trại trong nước vẫn nhiều, tình trạng nhập heo lậu từ Thái Lan vẫn còn diễn ra. Trung bình mỗi ngày khoảng vài ba nghìn heo nhập lậu tuồn vào Việt Nam. Trong khi sức mua vẫn yếu, chưa thể tăng theo kịp do người dân tiết kiệm chi tiêu”, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi cho biết. Ông nói thêm giá heo hơi nhập lậu từ Thái Lan rẻ hơn nhiều so với giá trong nước chỉ khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg.
Một yếu tố khác khiến sức ép từ nguồn cung lên giá càng lớn là dịch tả heo châu Phi. Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 9, dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lớn heo ra ngoài thị trường. Điều này đồng thời tạo mức chênh lệch lớn về giá bán tại một số vùng.
“Giá heo hơi phải nằm trong khoảng 55.000 – 60.000 đồng/kg mới đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi”, ông Dương nói.
Thông thường giá heo hơi giảm là tin tốt với những doanh nghiệp tập trung nhiều cho chế biến. Tuy nhiên, đợt giảm giá heo hơi này các doanh chế biến cũng không được hưởng lợi vì sức cầu chung đều yếu. Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (VISSAN), cho biết năm trước là giai đoạn kinh doanh ảm đạm nhất của ngành và cả công ty, thậm chí giai đoạn cao điểm tết giá vẫn không tăng thì năm nay tiếp tục sụt giảm thêm hơn 10% so với khi đó.
Nếu như các năm trước khó khăn ở mặt hàng thịt tươi sống nhưng các sản phẩm chế biến tăng trưởng tốt bù lại thì năm nay cả 2 đều gặp khó.
“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng trong những tháng còn lại, nhưng khả năng cao là sẽ không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận dù đã nỗ lực hết sức”, ông Phú cho hay.
Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi hiện nay?
Theo ông Dương tình hình tiêu thụ heo những tháng cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn khi bước vào mùa lễ hội.
“Nếu kiểm soát tốt tình hình nhập lậu, giá heo hơi cuối năm sẽ tăng lên, quanh mức 58.000 – 60.000 đồng/kg”, ông Dương nói.
Ngày 1/8, Thủ tướng gửi công điện yêu cầu các tỉnh và Bộ ngành liên quan tăng cường kiểm xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện heo nhập khẩu bất hợp pháp, các cơ quan phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Heo nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân”, công điện nêu.
Về dài hạn, để giải quyết câu chuyện giá cả bấp bênh, ông Dương cho rằng xuất khẩu vẫn là giải pháp quan trọng, cứu cánh cho thị trường trong nước, bênh cạnh việc kiểm soát nhập lậu.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, 8 tháng 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 14.000 tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá gần 68 triệu USD tăng 23% về lượng và tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thịt heo ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm khoảng 50% về lượng.
Theo ông Dương, mặc dù mức tăng trưởng về xuất khẩu trong 8 tháng khá cao, nếu so sánh với tổng sản lượng của nước khoảng 2,8 triệu tấn, con số này vẫn chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
“Giả sử có tăng gấp đôi khối lượng xuất khẩu cũng chưa thể giải quyết được vấn đề”, ông nói.
Việc tăng cường xuất khẩu thịt heo là điều không hề dễ nhưng không thể không tính đến. Để xuất khẩu được thì cần phải kiểm soát tốt được dịch bệnh. Ngoài ra, ngành chăn nuôi cũng cần hạ giá thành sản xuất. Chi phí nuôi của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao trên thế giới do nguyên liệu thức ăn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Ngoài ra, muốn xuất khẩu thịt sang thị trường mới cũng mất 5-7 năm để đàm và tiếp tiếp thị. Bởi vậy, xuất khẩu các sản phẩm thịt heo tươi sống rất khó.
Ông Dương cho rằng giải pháp hiện tại là xuất khẩu các sản phẩm thịt heo đã qua xử lý nhiệt (thịt đông lạnh, thịt chế biến sẵn).
Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, việc thành lập sàn giao dịch thịt heo cũng được kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường.
Mới đây, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM và Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo TP HCM.
Sàn giao dịch thịt heo được hình thành nhằm xây dựng môi trường kinh doanh, giao dịch mặt hàng heo hơi theo phương thức hiện đại, thông minh, bảo đảm công bằng và minh bạch.
Sàn giao dịch này cũng sẽ góp phần tái cơ cấu và chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất mặt hàng thịt heo.
Ngoài ra, sàn sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)