Năm 2023, giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp.
Về đầu con: Đàn trâu, bò trong năm không có biến động lớn, đàn trâu tiếp tục xu hướng giảm, đàn bò tăng nhẹ; chăn nuôi lợn phát triển tốt; chăn nuôi gia cầm tăng trưởng ổn định. Thời điểm cuối năm 2023, ước tính tổng số đàn lợn đạt 26,3 triệu con (chưa tính khoảng hơn 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 0,6%; đàn gia cầm 558,9 triệu con, tăng 3,3% so với cùng thời điểm 2022.
Về sản lượng: Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%; thịt trâu 120,4 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt bò 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5% . Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%.
Về chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi:
+ Năm 2023, cả nước có 12.349 trang trại chăn nuôi, chiếm 62,8% (trong tổng số 19.660 trang trại nông nghiệp – theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP); các địa phương đã phê duyệt 489 dự án chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm.
+ Cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.
+ Năm 2023, cả nước có 4.882 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (tăng 1.034 trang trại và hộ chăn nuôi).
Về xuất – nhập khẩu:
– Năm 2023, Việt Nam ước nhập khoảng 116 nghìn tấn thịt lợn (chiếm 3% tổng tiêu thụ thịt lợn trong nước); 239,7 nghìn tấn thịt gia cầm (chiếm 11,8%); 192,3 nghìn tấn thịt trâu, bò (chiếm 37,5% tổng tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước).
– Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.
– Tổng giá trị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ước đạt ~ 5 tỷ USD giảm 10,8 so với năm 2022
Một số mô hình phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả cao như:
– Mô hình cho đàn gà ăn, uống thức ăn được chế biến từ cây sâm (Tiên Yên – Bắc Giang);
– Mô hình nuôi lợn bằng các dược liệu quý của hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Hiệp Hòa – Bắc Giang);
– Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi liên kết của Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên;
– Mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk;
– Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sự đầu tư mạnh của các doanh nghiệp, như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân (chăn nuôi)…
Lũy kế đến nay, cả nước có 5 khu NNƯDCNC do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên; Bạc Liêu, Thái Nguyên; Quảng Ninh) và 01 Khu Lâm nghiệp ƯDCNC Bắc Trung bộ; có 690 vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có 499 vùng có ứng dụng CNC; có 290 doanh nghiệp NNƯDCNC vào sản xuất (trong đó có 70 doanh nghiệp NNƯDCNC); có 1.930 HTX NNƯDCNC.
Nguồn: Bộ NN&PTNT
(theo Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam)