Chính phủ đề nghị nới thời gian giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ thêm 6 tháng, tức tới cuối năm nay.

Ngày 13/6, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) thuế suất 10%, về còn 8%. Theo đó, chính sách giảm thuế này được đề nghị kéo dài tới hết năm nay, thay vì kết thúc vào tháng 6.

Tương tự các lần trước, Chính phủ đề nghị hạ 2% thuế VAT với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Tức là, các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc nới thời gian giảm thuế 2% thêm 6 tháng, theo Chính phủ, dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, ngân sách ước tính giảm gần 47.500 tỷ đồng cả năm.

Chính phủ cho rằng việc giảm thuế này tác động làm giảm thu ngân sách, nhưng sẽ giúp hạ chi phí sản xuất, giá bán nên kích thích kinh doanh và tạo nguồn thu ngân sách.

Thẩm tra nội dung này, thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách có hai luồng quan điểm đồng ý và không đồng ý. Với các ý kiến không đồng ý, cơ quan thẩm tra cho rằng quý I năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ yếu tố giá, mức này là 5,1% – thấp hơn tốc độ tăng GDP quý I là 5,66%.

Điều này cho thấy việc hạ thuế VAT thời điểm hiện nay không còn phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng do sức mua và khả năng tiêu dùng trong nước của người dân đã giảm sút đáng kể. Vì thế, các ý kiến này đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về khả năng kích cầu tiêu dùng của chính sách này.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, từ 1/7 sẽ tiến hành cải cách tiền lương đồng thời với điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công… Tức là, vẫn cần một nguồn lực rất lớn cho đầu tư. Do đó, cần tăng số thu ngân sách năm nay, các năm sau để cải cách tiền lương, chi đầu tư và thiết yếu khác.

Mặt khác, cũng có ý kiến đề nghị xem xét giảm với tất cả hàng hóa, dịch vụ, thay vì loại trừ một số mặt hàng như hiện nay. Góp ý trước đó, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất giảm 2% thuế VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ. Bởi, thực tế vừa qua nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng nào phải chịu thuế 10%, loại nào được giảm xuống 8%.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng Chính phủ cần làm rõ giải pháp xử lý các vướng mắc này, khi Quốc hội cho phép tiếp tục giảm thuế áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay. Việc này nhằm bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian chính sách tài khóa giảm 2% thuế VAT này tới hết năm nay. Nội dung này sẽ được đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 7, thay vì một nghị quyết riêng.

Anh Minh (vnExpress.net)