Bài 2: Bỏ thuế nhập khẩu khô đậu tương gỡ khó cho chăn nuôi

Khô đậu tương chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, để giảm giá thành chăn nuôi, cần đưa thuế mặt hàng này từ 2% về 0%.

bã nành
Mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn khô đậu tương về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thủy sản. Ảnh: Trần Trung.

Giá khô đậu tương vẫn ở mức đỉnh

Đầu năm 2023, trong khi nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm, giá khô đậu tương (khô dầu đậu nành, bã nành) vẫn tiếp tục tăng.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá khô đậu tương đang tăng và duy trì quanh vùng đỉnh 10 năm. Nguyên nhân là do Argentina, nước xuất khẩu khô đậu tương lớn nhất thế giới (chiếm 41% thị phần khô đậu tương xuất khẩu toàn cầu) đang phải trải qua tình hình sản xuất đậu tương kém khả quan do thời tiết bất lợi.

Argentina đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng gay gắt trong suốt 4 tháng qua. Đợt nắng nóng này được cho là tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua. Tình hình vẫn đang trở nên tệ hơn nữa khi nhiều khu vực nông nghiệp trọng điểm của nước này tiếp tục ghi nhận nhiệt độ kỷ lục trong tháng 3.

Trong báo cáo mùa vụ hằng tuần, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires của Argentina (BAGE) cảnh báo thời tiết khô nóng tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng khi 62,2% diện tích đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Không những thế, mùa vụ đậu tương còn đứng trước rủi ro từ những đợt sương giá sớm năm nay.

Trước tình hình đó, BAGE cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2022/2023 của nước này khi cây trồng phải vật lộn với tác động của hạn hán và nhiệt độ cao. Con số này hiện đang được dự báo sẽ đạt 33,5 triệu tấn, giảm 30% so với kỳ vọng ban đầu và thấp hơn khá nhiều so với dự báo 41 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra trong báo cáo tháng 2/2023.

Triển vọng nguồn cung kém từ quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối trên thị trường khô đậu tương thế giới đã khiến cho giá mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhóm nông sản kể từ đầu năm đến nay.

Bên cạnh mùa vụ tại Nam Mỹ, hoạt động gieo trồng đậu tương của nông dân Mỹ trong vài tháng tới cũng đang là mối quan tâm của thị trường. Diễn đàn Triển vọng Nông nghiệp thường niên năm 2023 đã công bố dự báo đầu tiên về ước tính cung – cầu nông sản Mỹ trong năm nay. Theo đó, diện tích gieo trồng đậu tương ở Mỹ được dự báo sẽ không đổi so với năm ngoái nhưng thấp hơn so với mức dự đoán của thị trường.

Nguy cơ nguồn cung đậu tương sụt giảm mạnh của Argentina nhưng không được bù đắp bởi diện tích tại Mỹ như kỳ vọng sẽ khiến cho giá khô đậu tương toàn cầu sẽ khó có thể hạ nhiệt như ngô hay lúa mì.

DSC09788
Khô đậu tương là nguyên liệu quan trọng hàng đầu trong thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Thanh Sơn.

Kiến nghị bỏ thuế nhập khẩu khô đậu tương

Khô đậu tương là sản phẩm từ quá trình ép dầu hạt đậu tương. Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, từ lâu, khô đậu tương đã trở thành một thành phần quan trọng hàng đầu trong thức ăn chăn nuôi.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản, nhu cầu khô đậu tương tại Việt Nam đang không ngừng tăng lên trong những năm qua.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết, Việt Nam là nước phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong đó có khô đậu tương. Năm 2022, nhập khẩu khô đậu tương đạt khoảng 5 triệu tấn. Tuy lượng nhập khẩu đứng thứ 2 sau ngô, nhưng giá trị khô đậu tương nhập khẩu lại lớn nhất do giá thành nhập khẩu mặt hàng này cao hơn ngô tới 70%.

Trong thời gian qua, do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dịch bệnh, thời tiết và địa chính trị trên toàn cầu, giá khô đậu tương đã tăng liên tục tới 60 – 70%. Khô đậu tương là nguồn cung cấp đạm thực vật chính trong dinh dưỡng vật nuôi, là nguyên liệu chính trong công thức cám thủy sản và cám heo. Do đó, giá khô đậu tương tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành chăn nuôi.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nguyên liệu thường chiếm khoảng 85 – 90% giá thành. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu có biến động tăng, dẫn đến rủi ro cao và sản phẩm chăn nuôi trở nên đắt đỏ.

Khô đậu tương lại là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, trong bối cảnh giá khô đậu tương trên toàn cầu vẫn đang ở quanh mức đỉnh 10 năm, việc thuế nhập khẩu mặt hàng này vẫn đang được giữ ở mức 2% sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng chi phí cho người chăn nuôi.

Chính vì vậy, ngày 20/2/2023 vừa qua, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam (VFA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương.

Trong công văn này, VFA cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để kìm chế lạm phát và giá các nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu (năng lượng, kim loại, ngũ cốc) vẫn đang neo ở mức cao trong lịch sử thì việc áp dụng thuế suất nhập khẩu khô đậu tương ở mức 0% là một trong những phương án hiệu quả.

Hiện nay, giá bán và sức tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi đang rất thấp. Tình trạng này đã khiến khoảng 45 – 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70 – 75% trang trại nhỏ và số hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ, tất yếu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi.

Do đó, VFA đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT xem xét, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% hiện nay xuống còn 0% nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu thế giới.

Nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, ngày 15/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 101/CP-NĐ điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% từ 31/12/2021. Tuy nhiên thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%.

Tháng 10/2022, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong công văn này, Bộ NN-PTNT cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2025 và 2030, nhu cầu khô đậu tương sẽ khoảng 6,5 – 8 triệu tấn/năm, trong khi diện tích đất dành cho trồng trọt nói chung, đất trồng đậu tương nói riêng ngày càng hạn hẹp. Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu khô đậu tương để chăn nuôi cũng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam trong hoàn cảnh nhiều khó khăn tác động hiện nay, Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét, đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Cục Chăn nuôi cũng vừa soạn thảo văn bản gửi lãnh đạo Bộ NN-PTNT ký trình Chính phủ xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0%.

Thanh Sơn – Trần Trung (Nông nghiệp Việt Nam)