Ngày 16/5/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng kính gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ để tháo gỡ khó khăn cho ngành Chăn nuôi Gia cầm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), hiện nay do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covd-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu (có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất), khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà,vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Chăn nuôi gia cầm đối mặt với tình trạng thua lỗ kéo dài, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

Trước bối cảnh nêu trên, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm, Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) xin kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hôi, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài sau đây:

1. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông

Thời gian qua, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp tại các địa phương có chung biên giới với các nước, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây không những là một trong các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Mặt khác, thời gian qua có rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng (còn được gọi là gà dai, loại gà này phần lớn tại các nước phát triển không sử dụng làm thực phẩm cho người) vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho người. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta.

Thịt nhập khẩu khiến không gian thương mại của ngành chăn nuôi gia cầm thêm hẹp

Trước thực trạng đó, ngày 04 tháng 5 năm 2023, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã gửi văn bản cho Bộ Công An, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị hai Bộ trên cùng các địa phương tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới và các sản phẩm chăn nuôi tạm nhập tái xuất vào Việt Nam. Tuy nhiên, để tình trạng trên không tái diễn sau mỗi lần kết thúc chiến dịch ra quân của các bộ ngành, địa phương, VIPA kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công An, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

2. Tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước

Có thể nói so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. Chẳng hạn kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở nước ta (vì nguy có gây ung thư cho người sử dụng). Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục, mà theo ước tính chiếm 20-25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ ở nước ta.

Do vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và  người chăn nuôi trong nước, đặc biệt là không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế (có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và một số nước trong khu vực) nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.

3. Rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm giảm chi phí sản xuất

– Hiện nay quy định về lô hàng để tính phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tại khoản 3.2, Mục II thuộc Bảng phí, lệ phí trong công tác Thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính là chưa rõ ràng và hợp lý. Bởi vì, trên thực tế đối tượng khách hàng của các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm rất đa dạng, trong đó nhiều khách hàng nhỏ lẻ chỉ đặt mua 01 đơn hàng khoảng 5-10 kg thịt, nhưng khi kiểm dịch cán bộ chuyên ngành vẫn tính là một lô hàng và thu phí 100.000 đồng, ngang bằng với mức phí kiểm dịch 01 container là chưa thuyết phục. Quy định này đã làm tăng chi phí sản xuất tại các nhà máy giết mổ gia cầm.

Mặt khác, trong tình hình các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ gia súc và gia cầm đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, thì mức phí kiểm dịch được quy định 200 đ/con gia cầm đối với các cơ sở giết mổ gia cầm có quy mô trung bình và lớn, sẽ khiến tổng chi phí kiểm dịch giết mổ mà doanh nghiệp phải chi trả là rất lớn.

Vì vậy, VIPA đề nghị Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm xem xét sửa đổi quy định lô hàng tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC để tính phí kiểm dịch và đồng thời điều chỉnh theo hướng giảm ít nhất 50% phí kiểm dịch giết mổ trên 01 con gia cầm.

– Việc quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam tại Thông tư số 05/VBHN-BKHCN ngày 28/8/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ và tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-183:2016/BNNPTNT; QCVN 01-190:20220/BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT là không cần thiết vì đã có các quy định pháp luật khác về kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo quy định hiện hành, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi là ngành nghề có điều kiện, chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật chuyên ngành.

Theo đó, doanh nghiệp phải được cấp Giấy phép đủ điều kiện sản xuất nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự phụ trách và các điều kiện khác. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được doanh nghiệp tiến hành chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm nhập kho và sản phẩm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, trước khi lưu thông, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục công bố thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Trong giai đoạn kiểm tra chất lượng, cả cơ quan quản lý chuyên ngành và doanh nghiệp đều áp dụng quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để đánh giá sự phù hợp, chất lượng của sản phẩm. Việc thực hiện thêm một bước công bố hợp quy độc lập khác là không cần thiết.

Mặt khác, từ năm 2018 đến nay, tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, không quy định phải công bố hợp quy đối với ngay cả các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như thực phẩm chức năng, dinh dưỡng y học và các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm như bánh, kẹo, mỳ ăn liền …

Trên thực tế, việc thực hiện quy định trên đã và đang gây lãng phí thời gian, nhân lực đối với doanh nghiệp do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, phức tạp, làm tăng chi phí sản xuất như chi phí kiểm nghiệm, chi phí in lại bao bì, nhãn mác, thay trục lô…. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng thêm giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh ngành chăn nuôi nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, trong đó nêu rõ Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt thức ăn chăn nuôi, VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bãi bỏ quy định chứng nhận và công bố hợp quy đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung đã được phép lưu hành tại Việt Nam.

4. Xây dựng và triển khai chương trình trọng điểm xuất khẩu sản phẩm gia cầm

Cần đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gia cầm

Để tạo bước đột phá về tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công thương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình trọng điểm xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực (thịt gà chế biến, trứng gà/vịt, trứng chim cút qua chế biến, lông vũ, kể cả con giống v.v…).Theo đó, trong chương trình cần cụ thể hoá các chỉ tiêu, lộ trình thực hiện xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chủ lực trong từng giai đoạn; có các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, triển khai các giải pháp hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các thủ tục hành chính, quy định kỹ thuật đối với việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ đàm phán.

5. Cần chuẩn hóa dữ liệu thống kê về sản xuất và thương mại của ngành gia cầm

Do những khó khăn khách quan và chủ quan về công tác thống kê, thời gian qua các dữ liệu về kết quả sản xuất, thương mại hàng năm của ngành gia cầm nước ta giữa các bộ ngành và hiệp hội chưa có sự thống nhất và thậm chí có thời điểm chưa sát với thực tế. Chẳng hạn theo tính toán của VIPA cũng như của một số chuyên gia dựa trên số lượng giống gia cầm nhập khẩu hàng năm và tổng sản lượng thức ăn công nghiệp dành cho ngành gia cầm thì tổng đàn gia cầm có mặt thường xuyên và sản lượng thịt, sản lượng trứng gia cầm sản xuất trong nước năm 2000- 2022 có thể lớn hơn số liệu đã công bố chính thức của các bộ, ngành. Mặt khác, việc chia sẻ số liệu thống kê giữa các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu dữ liệu thống kê chưa sát với thực tế và không được chia sẻ kịp thời thì sẽ dẫn đến hệ lụy là các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội ngành hàng không có căn cứ để đánh giá, nhận định đúng thực trạng sản xuất, thương mại của từng ngành hàng, từ đó các doanh nghiệp khó có thể định hướng được chiến lược sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững.

Vì vậy,VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng Cục Thống kê và các bộ ngành có liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng sớm thống nhất các phương pháp thống kê để cập nhật, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu về ngành chăn nuôi nói chung và ngành gia cầm nói riêng.

5. Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi

Ngành chăn nuôi là lĩnh vực đang chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh và thị trường, đặc biệt chịu áp lực rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã tham gia ký kết. Vì vậy, VIPA kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sớm sửa đổi bổ sung một số chính sách đặc thù cho ngành chăn nuôi tại Nghị định số 57/2018-NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như sau:

Miễn, giảm tiền thuê đất

Các doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước để thực hiện Dự án chăn nuôi đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất. Doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước để thực hiện Dự án chăn nuôi ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền thuê đất ít nhất 2/3 thời gian thuê, tính từ ngày Nhà nước có quyết định cho thuê đất.

Về hỗ trợ tập trung đất đai: Doanh nghiệp thuê, thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện Dự án chăn nuôi đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% tiền thuê đất trong 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào chăn nuôi nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ 80% kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu.

Hỗ trợ tín dụng đầu tư

Các doanh nghiệp trong nước có dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến thì được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại để thực hiện dự án với mức hỗ trợ bằng 100% chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, tính trên số vốn vay dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất kể từ thời điểm đề nghị hỗ trợ cho các dự án kéo dài ít nhẩt 10 năm. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với công nghệ thân thiện với môi trường, làm giảm thải các-bon được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm, tính từ thời điểm dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Ngoài ra, VIPA cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ các nội dung sẽ được sửa đổi bổ sung tại NĐ số 57/2018-CP, bao gồm: Tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào lĩnh vực chăn nuôi; cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi, giết mổ, chế biến ứng dụng công nghệ cao; cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án chăn nuôi gia cầm gắn với xuất khẩu; xây dựng nhà máy tại khu chăn nuôi không có khu công nghiệp; nguồn vốn và quy trình giao vốn hỗ trợ; trình tự và thủ tục hỗ trợ đầu tư; thẩm định, thanh quyết toán.

Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, vì vậy, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, kính mong Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị  Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh.

P.V (Chăn nuôi Việt Nam)