Theo các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I, thậm chí hết nửa đầu năm 2023, trong khi xuất khẩu trái cây có thể tăng tốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu rất cần hỗ trợ về nhất định thị trường, chính sách thuế
Chia sẻ Tọa đàm trực tuyến: “Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính” do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN/Dân Việt tổ chức ngày 13/12, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, tại thị trường Trung Quốc, giá bán sầu riêng của Công ty Chánh Thu không thua kém các thương hiệu của Thái Lan.
“Đây là bước đệm, năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của Chánh Thu, nhất là sản phẩm sầu riêng. Chúng tôi sẽ tăng liên kết với nông dân, HTX để tăng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều hơn cho thị trường Trung Quốc”, CEO Chánh Thu nói.
Theo bà Ngô Tường Vy, thời gian tới, Chánh Thu sẽ đưa sản phẩm sầu riêng mang thương hiệu Chánh Thu vào thị trường Trung Quốc.
Đối với thị trường xuất khẩu thủy sản, bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng: Xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I, thậm chí hết nửa đầu năm 2023.
Theo bà Hằng, nguyên nhân là do lạm phát tăng cao đã ngấm sâu vào thái độ, thói quen của người tiêu dùng, và họ sẽ không đầu tư vào các ngành hàng, sản phẩm có giá trị cao như trước nữa mà sẽ chú trọng hơn vào những sản phẩm ở mức trung bình. Do đó, lượng đơn hàng sẽ giảm sâu, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ không có đơn hàng.
“Hi vọng nửa cuối năm 2023, khi kinh tế thế giới hồi phục nhất định thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn phía Nhà nước sẽ có những hỗ trợ nhất định về thị trường, chính sách thuế để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới thời gian tới”, bà Hằng kiến nghị.
Về lâu dài, đại diện VASEP cho hay: Chúng ta sẽ còn khó khăn tại nhiều thị trường nữa. Ví dụ là thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa, sẽ có những quy định và thay đổi rất bất ngờ đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng dương trong năm 2023?
Cùng quan điểm với bà Hằng, PGS. TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua dịch Covid-19 đã gây khó khăn rất nhiều cho nền kinh tế thế giới. Nhưng cũng nhờ dịch Covid đã làm thay đổi cơ cấu thị trường, mà nhiều sản phẩm trái cây hay lúa gạo của chúng ta đã đặt chân được vào châu Âu – nơi mà trước đây Thái Lan “thống trị”.
“Thời gian tới, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục đa dạng thị trường, bao gồm cả Trung Quốc; tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu của thị trường về an toàn thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch gồm cả đóng gói, bao bì… Tôi tin tưởng chúng ta vẫn có nhiều cơ hội để tăng trưởng và như vậy, xuất khẩu nông sản sẽ tăng trưởng dương trong năm 2023”,PGS. TS Đào Thế Anh nói.
Ông Ngô Xuân Nam– Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NNPTNT) khẳng định: Câu chuyện thị trường sẽ gắn với biến động, lúc lên lúc xuống. Hiện, Việt Nam tham gia tới 17 hiệp định tự do, nhiều hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ…
Theo ông Nam, tầm xa cho thị trường nông sản của chúng ta sẽ đa dạng. Khi chúng ta đa dạng hóa thị trường thì phải sản xuất theo thị trường thì chúng ta buộc phải xây dựng các liên kết. Nếu sản xuất nhỏ lẻ thì khó đáp ứng được, bắt buộc chúng ta phải liên kết.
Như mã số vùng trồng phải trên 10ha thì làm nhỏ lẻ không làm được mà phải liên kết. Câu chuyện này đang rất thành công ở doanh nghiệp Chánh Thu, đơn vị này đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm vào các thị trường khó tính.
Tiếp đó là chúng ta phải có sự liên kết các cơ quan ở trung ương;… Và liên kết các hiêp hội để giải quyết nhiều vấn đề như chống bán phá giá, quyền lợi…
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV, Bộ NNPTNT), thị trường Trung Quốc vẫn rất quan trọng đối với ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay thì Mỹ đã leo lên vị trí thứ nhất, do đó chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa được chanh dây và dứa vào thị trường này. Đây được coi là sản phẩm chủ lực của miền Tây, do đó sẽ giúp bà con vùng đất này có cơ hội nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục đàm phán, xúc tiến để đưa quả bưởi vào thị trường Trung Quốc.
“Đối với những khó khăn mà chúng ta vừa đề cập ở trên, đặc biệt là việc thắt chặt chi tiêu ở nhiều nước cũng là khó khăn đối với ngành xuất khẩu trái cây của Việt Nam nhưng chúng ta vẫn đang có nhiều kỳ vọng vào các sản phẩm chủ lực, ví dụ như sầu riêng, dù mới xuất khẩu cuối năm nhưng sản phẩm này đã đạt 6% giá trị xuất khẩu.
Bên cạnh đó, có một tín hiệu vui nữa là thị trường Trung Quốc đang dần nới lỏng chính sách zero covid, điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch của chúng ta có cơ hội nhiều hơn để tiếp cận với thị trường này”, ông Hiếu nói.
PV (Dân Việt)