Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26 /2023/NĐ-CP (Nghị định 26) của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng khô dầu đậu tương-nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi.

Bộ Tài chính cho biết, khô dầu đậu tương là thành phần quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng nhu cầu thức ăn (ngô, khô đậu tương, bột cá…) cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam khoảng 33 triệu tấn/năm. Hiện, Việt Nam đã có nhà máy sản xuất được khô dầu đậu tương, tuy nhiên, sản lượng chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.

Theo quy định tại Nghị định 26, mức thuế suất MFN đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi (thuộc chương 23) cơ bản đã là 0% trừ một số chế phẩm dùng trong chăn nuôi nhóm 23.09 có mức thuế suất MFN 3% (bao gồm loại dùng cho gia cầm, lợn, động vật linh trưởng và loại khác; còn loại dùng cho tôm có mức thuế suất MFN là 0%). Mức thuế suất được xác định phù hợp với nguyên tắc ban hành biểu thuế được quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trong đó, đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được quy định mức thuế suất phù hợp để hạn chế nhập khẩu,  gia tăng sản xuất trong nước, từng bước tạo sự chủ động về nguồn cung.

Thời gian qua, để hỗ trợ ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước, trong bối cảnh giá cả mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng cao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021, trong đó giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) mặt hàng lúa mì xuống 0%, mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Hiện nay, cơ bản mức thuế suất MFN các mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đã ở mức rất thấp, để bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp với khả năng đáp ứng thị trường. Riêng với mặt hàng khô dầu đậu tương, do trong nước đã sản xuất được 35% nhu cầu, nên mức thuế suất vẫn giữ nguyên. Bộ Tài chính cho rằng, thuế MFN đối với mặt hàng này 2% (so với mức cam kết trong WTO 5%) như hiện hành là phù hợp, đảm bảo đảm bảo nguyên tắc ban hành biểu thuế, cũng như khuyến khích  ngành chăn nuôi chủ động nguồn nguyên liệu, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và các nhà cung cấp trong nước và nhập khẩu.

Hiện nay, có một số ý kiến đề xuất giảm thuế MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương xuống 0%. Tuy vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh giảm thuế MFN có thể dẫn đến giảm nhu cầu, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và tăng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tác động trực tiếp tới hoạt động chăn nuôi của DN và đời sống của người dân. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về thuế đối với mặt hàng này. Cụ thể, phương án 1: Giữ nguyên mức thuế suất MFN đối với mặt hàng khô dầu đậu tương như hiện hành. Phương án này góp phần ổn định chính sách, không xáo trộn hoạt động sản xuất của DN thức ăn chăn nuôi và DN chăn nuôi trong nước. Ngoài ra, do trong nước đã sản xuất được 35% nhu cầu nên mức thuế suất 2% là hợp lý để khuyến khích DN trong nước tiếp tục sản xuất. Nếu không có chính sách bảo hộ nhất định cho các DN sản xuất trong nước, thì Việt Nam phải tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cụng nhập khẩu. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chưa đáp ứng được kiến nghị của một số bộ, ngành và hiệp hội, DN  trong bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng.

Phương án 2: Điều chỉnh mức thuế suất MFN mặt hàng này từ 2% xuống 1%. Phương án này tạo điều kiện cho ngành sản xuất khô dầu đậu tương trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần giảm chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi. Bản thân các DN sản xuất cũng có thể chủ động hơn về nguồn cung nguyên liệu. Mặt khác, việc giảm mức thuế suất MFN xuống 1% thay vì 0% vẫn tạo dư địa đàm phán cho các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ ký kết trong tương lai; đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất. Theo dự kiến, phương án này làm giảm số thu NSNN khoảng 520 tỷ đồng/năm (bao gồm thuế nhập khẩu và thuế GTGT)- thấp hơn so với mức giảm số thu NSNN 1.040 tỷ đồng/năm (bao gồm thuế nhập khẩu và thuế GTGT) trong trường hợp giảm mức thuế suất MFN xuống 0% như kiến nghị.

Góp ý vào dự thảo, nhiều ý kiến ủng hộ việc lựa chọn phương án 2. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam không có lợi thế về sản xuất khô dầu đậu tương, mà chủ yếu nhập khẩu. Trong khi đây là đầu vào quan trọng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì vậy, việc điều chỉnh mức thuế MFN  từ 2% xuống còn 1% như phương án 2 là cần thiết để góp phần hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước.

Hội đồng kinh doanh Hoa kỳ-ASEAN cũng cho rằng trước mắt nếu xét thấy khả năng giảm về 0% gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, cũng như thu NSNN thì nên lựa chọn phương án 2 theo lộ trình, sau đó sẽ tiến tới áp dụng thuế MFN 0%.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ Tài chính cũng cho rằng việc lựa chọn phương án 2 là hợp lý trong bối cảnh Việt Nam và khối thị trường chung Nam Mỹ (Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ khu vực này) mới đang dừng ở mức chuẩn bị khởi động đàm phán. Hơn nữa,  thời gian qua, nguồn cung từ các quốc gia này không ổn định do ảnh hưởng của thời tiết. Vì vậy, cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung, tránh việc chỉ phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Việc quy định mức thuế MFN 1% vừa tạo dư địa đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại tự do, vừa góp phần đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

Hương Quỳnh (Tạp chí Thuế)