Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2045 định hướng: đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà có mặt thường xuyên từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên từ 100 đến 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp; sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả; thịt gia cầm chiếm 29 – 31% tổng sản lượng thịt xẻ các loại; tỷ trọng gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt 50%; tỷ trọng thịt gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 40 đến 50%; xuất khẩu từ 20 đến 25% thịt và trứng gia cầm.

Theo Cục Chăn nuôi, để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn tới cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

1. Phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn sinh học,  dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

2. Phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.

3. Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

4. Chủ động nguồn giống, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo nhu cầu trong nước, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo các tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu của nước nhập khẩu để hướng tới thị trường xuất khẩu.

5. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

6. Tăng cường giết mổ, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

7. Thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tư duy sản xuất có sự liên kết, tạo ra những liên minh của những nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

8. Xây dựng và hỗ trợ người chăn nuôi tiếp cận, áp dụng các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Tâm An (Chăn nuôi Việt Nam)