Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 3, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn (tăng 8,8%).
Tại một số địa phương như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh từ tháng 3 đến nay, đồng thời giá xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh cũng tăng theo là dấu hiệu tích cực để phục hồi ngành cá tra.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh vào quý I/2022 thì giá xuất khẩu cá tra phi lê sang các thị trường cũng tăng theo nhưng dự báo sẽ khan hiếm nguyên liệu kéo dài cho tới ít nhất quý II/2022.
Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu cỡ 0,7 – 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 – 32.500 đồng/kg; cỡ 1 – 1,2 kg/con dao động mức 32.000 – 34.500 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021. Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 – 3,4 USD/kg.
Theo VASEP, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. Giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 – 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 – 2,7 USD/kg).
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con/cắt xẻ bướm đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, da cá tra đóng block đông lạnh… sang Trung Quốc.
Giá phi lê cá đông lạnh xuất khẩu đi Liên minh châu Âu (EU) cũng khả quan, dao động từ 2,9 – 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
“Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới” – VASEP thông tin.
Theo ông Chương Văn Khanh (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), ông vừa thu hoạch một ao cá tra khoảng 400 tấn và bán cho một công ty ở An Giang với giá 33.000 đồng/kg.
“Thật sự năm nay giá cá tra có tăng mạnh so với 2 năm qua nhưng tôi không lời nhiều do chi phí thức ăn tăng cao. Ngoài ra, bây giờ thị trường rất khó tính, công ty mua họ kiểm tra trong cá có kháng sinh hay không mới bắt cá. Mình nuôi cá sát bên ruộng đồng người ta, xài chung nguồn nước, nếu bên kia bón phân, xịt thuốc mà theo dòng nước trôi qua ao nuôi cá tra là dính thuốc ngay, như vậy thì công ty sẽ không mua” – ông Khanh nói.
Ca Linh (Người Lao động)