Cập nhật giá gia cầm hôm nay 9/5 tại các vùng, chúng tôi thấy giá gà, giá vịt thịt không có biến động. Nhiều người chăn nuôi gà, vịt cho biết, để tiếp tục chăn nuôi họ phải đi vay lãi ngoài để lấy tiền mua cám chống đói cho vật nuôi.

Giá vịt ở miền Bắc vẫn ở mức thấp

Tìm hiểu giá vịt ở các vùng miền Bắc, chúng tôi thấy giá vịt bơ, bầu lai vẫn đang ở mức thấp, có trại chỉ bán được 26.000 đồng đến 28.000 đồng/kg. 

Giá vịt bầu lai loại đẹp trên 2,4kg/con bán buôn ở các vùng Hà Nội, Hà Nam… dao động trên dưới 30.000 đồng/kg. Giá vịt bơ nướng bán tại các trại ở Bắc Giang, Hải Dương… có nơi chỉ được 26.000 đồng/kg.

Tại các vùng phía Nam, giá vịt siêu thịt (vịt hơi) bán buôn tại các vùng Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… từ  35.000 đồng đến 38.000 đồng/kg.

Giá vịt Cherry bán tại một số vùng ở Long An được 39.000 đồng/kg.

Giá vịt xiêm dao động trên dưới 65.000 đồng/kg. Giá vịt trời duy trì ở mức trên 80.000 đồng/con.

Giá ngan cái trắng loại đẹp bán buôn tại các trại cao nhất đạt khoảng trên 70.000 đồng/kg; ngan trống trên 4,5kg/con có trại bán cho các đầu mối nhà hàng khoảng 80.000 đồng/kg.

Giá gà công nghiệp dưới ngưỡng 25.000 đồng/kg

Sau nhiều ngày giảm, giá gà lông trắng hôm nay có dấu hiệu chững, giá gà trắng loại đẹp trên 3kg/con bán ra tại các trại ở các vùng miền Bắc khoảng 27.000 đồng đến 28.000 đồng/kg.

Giá gà trắng bán tại các vùng phía Nam vẫn dưới ngưỡng 25.000 đồng/kg.

Giá gà lông màu ở các vùng Đông Nam Bộ vẫn ở mức 38.000 đồng đến 39.000 đồng/kg. Giá gà ta thả vườn ở các trại tại Bình Phước, Đồng Nai khoảng trên dưới 50.000 đồng/kg.

Giá gà mía Sơn Tây bán ở các vùng Hà Nội, Hòa Bình khoảng trên 80.000 đồng/kg loại trên 5 tháng tuổi.

Giá gia cầm hôm nay 9/5: Phải "vay nóng" mua cám chống đói cho vật nuôi, nông dân "cầu cứu" ngân hàng - Ảnh 3.
Giá gà công nghiệp hôm nay chững. Ảnh: HĐ

Người nuôi “cầu cứu” ngân hàng

Phản ánh với chúng tôi, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Bình Lục (Hà Nam), Khoái Châu (Hưng Yên)… cho biết, chưa bao giờ người nuôi gà vịt lâm vào thảm cảnh như hiện nay. 

“Mỗi lứa vịt lỗ vài chục triệu đồng nhưng vẫn phải nuôi, vì không chăn nuôi chúng tôi cũng không biết làm gì để mưu sinh. Thậm chí, nhiều trại không không vay được ngân hàng phải vay lãi ngoài (tín dụng đen) để mua cám chăm lợn, gà, vịt”, ông Hoàng Văn Nam, chủ trang trại ở Khoái Châu (Hưng Yên) chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định: Gần như công ty, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều có vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Và chịu quy luật của thị trường. Lời ăn và lỗ thì cầm sổ đỏ. Lúc này, chúng tôi gần như không thể tiếp cận ngân hàng, nhiều lúc, nhìn đàn vật nuôi đói phải “vay nóng” mua cám khiến khó khăn chồng thêm khó khăn.

Theo ông Công, với giá cả như hiện tại, trong khi giá thức ăn tăng quá cao, giá bán sản phẩm thì lại quá thấp trong một thời gian dài đã khiến chúng tôi kiệt quệ, dù đây là ngành nghề và công việc vốn đã gắn bó và thân thuộc bao nhiêu năm qua.

Ðặc thù của ngành chăn nuôi và an ninh lương thực – thực phẩm là vấn đề sống còn và thiết yếu của xã hội, chúng tôi luôn chấp hành, sản xuất an toàn và hiệu quả theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, tăng trưởng hằng năm theo sự phát triển của đất nước.

Dể “cứu nguy khẩn cấp” cho ngành chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Ðồng Nai kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sớm đưa ra 4 giải pháp giúp người chăn nuôi vượt khó.

Thứ nhất, được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn COVID-19, hiện pháp lý đã có sẵn, chỉ cần gia hạn thời gian áp dụng, các ngân hàng có thể triển khai ngay để hỗ trợ.

Thứ hai, với mảng nông nghiệp, Ngân hàng NN&PTNT là bà đỡ. Ngoài ra, còn một số ngân hàng thương mại cũng có các gói vay đặc thù dành riêng cho lĩnh vực đầu tư trang trại chăn nuôi như Vietcombank, HDBank, VPBank… Chúng tôi đề nghị hội sở các ngân hàng này tiếp tục gia hạn các gói tín dụng cho các chi nhánh, để triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, điều này là rất cần thiết, vì trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn sẽ có thể phá sản ngay.

Thứ ba, quá trình thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, nên có sự tiếp xúc với Hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng; có những doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh ngân hàng cho vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn… để tăng quy mô làm ăn.

Thứ tư, hiện nay các ngân hàng địa phương đều đang tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hành Nhà nước, trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Nhưng qua khảo sát sơ bộ thực tế chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này, chúng tôi mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ.

Hải Đăng (Dân Việt)