Tỷ giá tiếp tục tăng mạnh lên sát mức trần và lập đỉnh mới trên 25.400 đồng một USD, tương đương tăng trên 4% so với đầu năm.
Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tại 24.231 đồng, tăng 90 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.019 – 25.442 VND.
Các nhà băng sáng nay tiếp tục nâng mạnh giá USD lên sát mức trần được phép. Tổng cộng, đôla Mỹ đắt thêm 260 đồng từ đầu tuần đến nay, tương đương 1%.
Cụ thể, tại Vietcombank, mua bán USD lên 25.070 – 25.440 đồng, thêm 92 đồng so với hôm qua. Eximbank cũng điều chỉnh giá USD lên 25.040 – 25.440 đồng. BIDV nâng tỷ giá lên sát trần, mua bán ở 25.130 – 25.440 đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, mỗi USD trong ngân hàng tăng hơn 1.000 đồng, tương đương gần 4,2%.
Còn trên thị trường tự do, giá mua bán đồng bạc xanh neo quanh vùng 25.500 – 25.650 đồng.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư của Dragon Capital, nhận định tỷ giá chịu áp lực chủ yếu do chênh lệch lãi suất VND – USD ở mức âm và biến động thị trường vàng, tiền số.
Trên thế giới, chỉ số đồng USD (DXY) trở lại mốc 106 điểm, lần đầu sau 6 tháng. Nguyên nhân của hiện tượng này đến từ lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thêm thời gian trước khi quyết định hạ lãi suất. Điều này trái với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỷ giá tăng còn chịu tác động từ thị trường vàng và tiền số. Giá vàng liên tục tạo đỉnh mới những ngày qua, cao nhất 85 triệu đồng mỗi lượng. Điều này kích thích tâm lý người dân sử dụng ngoại tệ đầu tư vào vàng, thay vì nhập hàng hóa để sản xuất hoặc kinh doanh.
Dragon Capital chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa tỷ giá với những đợt tăng của tiền số. Khi Bitcoin tăng mạnh, tỷ giá chợ đen cũng nhích lên, vì nhà đầu tư có xu hướng tìm mua USD để đổ vào tiền số.
Tuy biến động mạnh, thống kê của Dragon Capital vẫn chỉ ra VND đang mất giá chậm hơn so với nhiều đồng tiền trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, biên độ giảm của tiền đồng thấp hơn tiền tệ của Đài Loan (6,4%), Thái Lan (7,5%), Hàn Quốc (8,3%) và Nhật Bản (9,4%).
Để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại, với tổng giá trị khoảng 172.000 tỷ đồng, tính đến ngày 13/4.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá, lãi suất USD neo cao gây áp lực lên gần như toàn bộ các đồng tiền chính trên thế giới và khu vực Đông Nam Á, vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động ngoại thương với Mỹ.
Báo cáo của UOB dự đoán, tiền đồng cũng như các đồng tiền khác có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024, khi lãi suất đôla Mỹ có thể giảm trong khi lãi tiền đồng không giảm thêm và tăng nhẹ trở lại. Ngân hàng này cũng kỳ vọng, phục hồi kinh tế trong nước từ lĩnh vực sản suất và tiêu dùng bán lẻ sẽ hỗ trợ lãi suất VND tiếp cận mức hợp lý hơn.
Quỳnh Trang (vnExpress.net)