Tỷ giá thường ổn định đầu năm nhờ kiều hối và FDI, nhưng năm nay, USD bất ngờ nổi sóng, tăng 1,76% trong chưa tới ba tháng.

“Quý I đáng ra là giai đoạn nguồn cung ngoại tệ dồi dào”, nhóm phân tích từ SSI Research đánh giá. Nhưng năm nay, vốn FDI và kiều hối cũng không khác biệt, nhưng tỷ giá vẫn “nổi sóng”.

Theo đó, chênh lệch lãi suất USD/VND kéo dài và xu hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến nhu cầu về USD vẫn hấp dẫn trong nửa đầu năm 2024 và khiến cho tỷ giá bật tăng mạnh trong giai đoạn qua.

Giá đồng bạc xanh tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán. Chưa tới một tuần sau Tết, tỷ giá tăng thêm 200 đồng lên mức 24.600 đồng đổi 1 USD. Vài ngày sau đó, một đôla Mỹ trên thị trường ngân hàng đổi 24.800 – 24.850 đồng. Hiện, mỗi USD tại ngân hàng cao hơn đầu năm khoảng 430 đồng, tương đương mức tăng 1,76%.

Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ cũng nâng giá USD lên hơn mốc 25.000 đồng từ một tuần trở lại đây.

Theo Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS), có bốn lý do khiến tỷ giá tăng mạnh. Đầu tiên là thị trường đánh giá Fed có thể không sớm hạ lãi suất như dự kiến. Lãi suất USD có thể ở mức cao cho tới giữa năm, và mức cắt giảm sau đó cũng không còn quá mạnh. Điều này sẽ khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD âm sâu hơn và kéo dài.

Nhập khẩu cũng liên tục hồi phục qua các tháng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Tổng giá trị nhập khẩu trong tháng 1 đạt gần 31 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022. Riêng khu vực trong nước nhập khẩu hơn 11 tỷ USD (cao hơn 15% so với bình quân cả năm 2023).

Nhu cầu ngoại tệ cũng tăng khi các doanh nghiệp thanh toán các khoản vay nước ngoài và hoạt động kết chuyển lợi nhuận về nước sở tại.

Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho rằng nguyên nhân do tình trạng găm giữ ngoại tệ trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng tại thị trường trong nước lẫn thế giới. Diễn biến này có thể thấy từ giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do, khi giá liên tục tăng cao kể từ cuối năm ngoái, lên mức 25.300 đồng, duy trì mức chênh lệch lớn (khoảng 2,5%) so với tỷ giá trên liên ngân hàng.

Giao dịch ngoại tệ tại quầy, một ngân hàng thương mại tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Giao dịch ngoại tệ tại quầy, một ngân hàng thương mại tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, dự báo tỷ giá cải thiện hơn vào nửa cuối 2024, đặc biệt khi đồng USD đạt đỉnh, kinh tế – tín dụng trong nước dần hồi phục. “Tỷ giá USD/VND sẽ kết thúc năm ở vùng giá 24.400”, ông Khoa nói.

Tương tự, PHS cũng cho rằng xác suất để tỷ giá có thể vượt đỉnh cũ là khá thấp và Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ các công cụ để kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh hiện tại.

Theo nhóm phân tích, VND vẫn là đồng tiền mạnh nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, với mức giảm khoảng 1,5%. Trong 10 quốc gia châu Á, THB của Thái Lan mất giá mạnh nhất so với đầu năm khi giảm tới 5%, kế đến là ringgit của Malaysia (giảm 3,8%), won của Hàn Quốc (giảm 3,1%).

Minh Sơn (vnExpress)