So với năm ngoái, giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện cao hơn khoảng 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức tăng này người nuôi cá tra hoàn toàn không được hưởng lợi.

Giá cá tra tăng mạnh, nhưng người nuôi vẫn không được hưởng lợi do giá thức ăn tăng cao. Ảnh: Trung Chánh

Ông Trần Tuấn Nhiêu, một hộ nuôi cá tra quy mô lớn ở tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nay có hai hình thức nuôi cá tra phổ biến, đó là nuôi gia công cho doanh nghiệp hoặc nông dân tự nuôi.

Đối với hình thức nuôi gia công, công ty chế biến thuỷ sản sẽ đầu tư thức ăn cho hộ nuôi với tỷ lệ cung cấp 1,5-1,52 kg thức ăn sẽ nhận lại 1 kg cá. “Trong khi đó, hộ nuôi sẽ chịu phần ao nuôi, chi phí con giống, thuốc thú y, điện nước, nhân công…”, ông cho biết.

Theo ông Nhiêu, với hình thức nuôi như nêu trên, mức lợi nhuận doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cho người nuôi được hưởng khoảng 2.000-2.500 đồng/kg cá nguyên liệu được sản xuất ra. “Nếu nông dân nuôi đạt, tức tỷ lệ sử dụng thức ăn để sản xuất ra 1 kg cá nguyên liệu thấp hơn so với định mức doanh nghiệp thuỷ sản quy định (1,5-1,52) hoặc với định mức thức ăn quy định mà nông dân nuôi được nhiều hơn (đầu tấn cao hơn- PV), thì được hưởng thêm”, ông nói.

Một dạng nuôi khác, đó là nông dân mua nợ thức ăn từ đại lý để đầu tư nuôi, với hình thức này, nông dân phải chịu mức lãi suất khoảng 1%. “Hiện nay, do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao cộng thêm chi phí lãi mua nợ, cho nên, giá thành sản xuất đã lên đến 27.000-28.000 đồng/kg”, ông Nhiêu nói và cho rằng với giá cá tra nguyên liệu 30.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi không có lãi nhiều.

Trong khi đó, nếu trường hợp người nuôi mua thức ăn thanh toán tiền mặt, chi phí đầu tư rơi vào khoảng 25.000-26.000 đồng/kg vì tiết kiệm được phần chi phí lãi khoảng 2.000 đồng/kg. “Tuy nhiên, hiện nay do môi trường nước ngày càng xấu, thời tiết thay đổi liên tục, cho nên, cá nuôi bị bệnh rất nhiều, dẫn đến tỷ lệ hao hụt có thể lên đến 50%”, ông cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, một hộ nuôi cá tra ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, giá cá hiện nay tăng cao hơn rất nhiều so với thời điểm năm 2021, nhưng lợi nhuận người nông dân thu được vẫn không tăng.

Cụ thể, thời điểm năm 2021, giá cá tra nguyên liệu dao động khoảng 23.000-24.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn chăn nuôi lúc bấy giờ chỉ khoảng 11.000 đồng/kg, tức riêng phần chi phí thức ăn là khoảng 17.000 đồng để sản xuất được 1 kg cá. “Nếu cộng luôn loại chi phí khác như con giống, nhân công, điện nước, thuốc… thì chi phí giá thành sản xuất là khoảng 20.000 đồng/kg”, ông Hùng tính toán và cho biết lúc bấy giờ người nuôi vẫn có lãi khoảng 3.000-4.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo ông Hùng, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao kể từ đầu năm đến nay nên giá thành nuôi cá tra hiện nay rơi vào khoảng 27.000 đồng/kg, trong khi giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, tức lợi nhuận người nuôi cá tra thu được cũng chỉ khoảng 3.000 đồng/kg.

Ông Nhiêu cũng xác nhận, dù giá cá tra nguyên liệu tăng cao trong năm 2022 nhưng do chi phí thức ăn tăng mạnh theo, nên đã “ăn” hết phần lợi nhuận này, chứ người nuôi hoàn toàn không được hưởng từ giá cá tăng. “Giá tăng nhưng thực tế người nuôi đâu có hưởng được gì, thậm chí không bằng năm ngoái”, ông nói.

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá tra trong tháng 8-2022 đạt trên 187 triệu đô la Mỹ, tăng 114% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, cá tra mang về cho Việt Nam gần 1,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Chánh (Thời báo Kinh tế Sài Gòn)