Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng lên đến 46% đối với Việt Nam khiến ngành thủy sản, nhất là tôm, đang đối diện với nguy cơ mất thị phần tại một trong những thị trường quan trọng nhất này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường lớn, truyền thống và có tính dẫn dắt đối với thủy sản thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hàng năm của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 2 tỷ USD, chiếm 1/5 giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thị trường này đang không chỉ giữ thị phần số 1 mà còn có tính định hướng cao đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Theo số liệu của VASEP, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tôm truyền thống và lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ luôn đứng ở mức từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 77 triệu USD, tăng 7%, ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chủ chốt của Việt Nam.

Mức thuế đối ứng áp dụng đối với Việt Nam cao hơn đáng kể so với các đối thủ xuất khẩu thủy sản như Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Ấn Độ 26% và Ecuador chỉ 10%.

Với chênh lệch thuế lớn như vậy, thủy sản Việt Nam, một trong nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu tỷ USD sang Mỹ trong năm 2024, gần như không thể cạnh tranh, nhất là khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%.

Trước đó, doanh nghiệp dự đoán mức thuế đối ứng có thể chỉ khoảng 10%, nhưng con số thực tế cao hơn nhiều lần. Nếu không có giải pháp từ Chính phủ hoặc đàm phán để điều chỉnh mức thuế, việc doanh nghiệp tôm Việt Nam có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ, VASEP nhận định.

Một lo ngại khác là nếu Mỹ tính thuế dựa trên ngày hàng cập cảng thay vì ngày xuất hàng, những lô hàng đã rời Việt Nam trước ngày 5/4 nhưng chưa đến Mỹ vẫn có thể phải chịu thuế suất mới, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Một lô hàng trị giá 5 triệu USD có thể bị mất hơn 2 triệu USD nếu chịu thuế suất 46%, khiến doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn.

Cũng theo VASEP, không chỉ đối mặt với thuế suất mới, xuất khẩu tôm Việt Nam còn chịu áp lực từ 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Mỹ. Nếu Mỹ tiếp tục áp thêm thuế từ các vụ kiện này, tôm Việt có thể phải gánh tới 3 loại thuế.

VASEP cũng đưa ra bức tranh tổng quan về thương mại tôm toàn cầu sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng, trong đó cho rằng các nước Mỹ Latin sẽ có lợi thế. Ecuador, Argentina, Hondura và Mexico có thể tăng thị phần tại Mỹ do phải chịu thuế suất thấp hơn.

Do phải chịu thuế suất ở mức cao, các nước xuất khẩu tôm châu Á như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ giảm.

Riêng Ấn Độ, dù bị áp thuế suất cao hơn Ecuador, nhưng nước này có thể giữ thị phần bằng viẹc tập trung vào các sản phẩm mà các nước Mỹ Latin chưa cung cấp đủ. Hơn nữa, các nhà cung cấp Ấn Độ có khả năng sẽ tận dụng hơn nữa mối quan hệ bền chặt của họ với các nhà bán lẻ Mỹ, đồng thời tăng xuất khẩu sản phẩm tôm lột vỏ và giá trị gia tăng sang EU và các thị trường khác.

VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cân nhắc kỹ thời gian và kế hoạch xuất hàng để tránh bị áp mức thuế không mong muốn. Không nên xuất hàng từ ngày 5/4/2025 để tránh bị áp thuế bổ sung 10%; Không xuất hàng từ ngày 9/4/2025 để tránh mức thuế đối ứng 46%. Chờ hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ ngành (nếu có) để quyết định các phương án và kế hoạch xuất khẩu tiếp theo. Trong khi đó, tiếp tục đẩy mạnh chế biến sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cũng như kiếm thị trường thay thế.

HT (Doanh nghiệp & Kinh doanh)