Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc chiếm 91,12% về lượng và chiếm 90,42% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 10 ngày giữa tháng 11/2023, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn thuận lợi khiến giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc ổn định so với 10 ngày trước đó, hiện giá thu mua dao động ở mức 2.400-2.450 đồng/kg. 

Tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 2.400-2.550 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 2.800-3.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với 10 ngày trước đó. Giá tinh bột sắn và sắn lát xuất khẩu cũng giảm nhẹ so với 10 ngày trước đó. 

Hiện, các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 535-545 USD/tấn, FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh, giảm 5 USD/tấn so với 10 ngày trước đó. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.050-4.300 CNY/tấn, giảm 50 CNY/tấn so với 10 ngày trước đó. 

Trong khi đó, giá xuất khẩu sắt lát ổn định so với 10 ngày trước đó. Hiện giá xuất khẩu sắn lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 295 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; Giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc ở mức 335 USD/tấn, FOB Quy Nhơn. Lượng hàng tinh bột sắn giao dịch trong những ngày qua giảm đáng kể. 

Trung Quốc chi gần 1 tỷ USD mua 2 triệu tấn một loại nông sản của Việt Nam chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.
Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc vẫn thuận lợi khiến giá sắn tươi ổn định ở mức cao. Ảnh: T.L

Nguyên nhân là việc nhập hàng theo quy định áp dụng đối với cư dân biên giới 8.000 NDT/ngày/người khiến chi phí dịch vụ cửa khẩu bên phía Trung Quốc tăng, các đơn vị chưa kịp thích ứng. Hiện tại, một số nhà máy sắn Việt Nam có nguồn lực tài chính không tốt sẽ buộc phải bán hàng ra để xoay vòng vốn sản xuất khi vào vụ sắn. 

Điều này khiến giá sàn bị giảm xuống. Dự kiến nguồn cung sắn lát niên vụ 2023/24 cả khu vực ASEAN có thể giảm sút, do dự báo nguồn nguyên liệu sắn củ tươi giảm mạnh. Trong khi đó, ước tính nhu cầu sắn lát cho thị trường nội địa Việt Nam cũng như thị trường Trung Quốc sẽ giảm không nhiều. Từ yếu tố này, dự báo giá thu mua sắn lát đầu vụ sẽ ở mức cao hơn vụ trước khoảng 10 – 15%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc chiếm 91,12% về lượng và chiếm 90,42% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 2,18 triệu tấn, trị giá 929,57 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 517 USD/tấn, tăng 11,5% so với tháng 9/2023 và tăng 20,2% so với tháng 10/2022.

Tuy nhiên, tính chung trong 10 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 425,4 USD/tấn.

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 93,8% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước, đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, đạt khoảng 667.000 tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong các tháng tới, nhu cầu mua sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc dự kiến vẫn cao do các nhà máy chuẩn bị nguồn hàng để sản xuất phục vụ cho dịp lễ Tết và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam, trong khi ở các thị trường khác, thị phần xuất khẩu sắn của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 8 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu 89.930 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 105,12 triệu Eur (tương đương 114,1 triệu USD).

Trong số này, Việt Nam là thị trường ngoài khối cung cấp sắn và tinh bột sắn lớn thứ 3 cho EU với 5.250 tấn, trị giá 3,45 triệu Eur (tương đương 3,74 triệu USD), tăng 143,2% về lượng và tăng 48,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị phần sắn và tinh bột sắn Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU chiếm 5,84%, cao hơn so với mức 2,15% của cùng kỳ năm 2022.

PV (Dân Việt)