Do Trung Quốc có yêu cầu mới với các mặt hàng khô của Việt Nam nên từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Trung Quốc có yêu cầu mới, xuất khẩu sắn gặp khó

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, do những quy định mới của phía bạn nên xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc trong tháng 1/2022 giảm mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 277.140 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 117,35 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 2,6% về trị giá so với tháng 12/2021 nhưng giảm tới 40,5% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 423,4 USD/tấn, giảm 2,2% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 14,3% so với tháng 1/2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 96,4% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 267.110 tấn, trị giá 112,14 triệu USD.

Trong 10 ngày giữa tháng 2/2022, nhu cầu của Trung Quốc yếu nên giá sắn không có nhiều biến động, xuất khẩu tinh bột sắn bằng đường biển vẫn chậm. 

Một vài nhà máy tinh bột sắn tại miền Trung, Tây Nguyên nâng giá thu mua sắn tạo động lực thu hoạch cho người dân trong bối cảnh lượng sắn đưa về các nhà máy thấp.

Có thể thấy, Trung Quốc là thị trường vô cùng quan trọng với sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Mới đây, để đảm bảo phòng dịch, Trung Quốc yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nylon, tránh virus xâm nhập. 

Trong quy trình kiểm soát hàng của phía Trung Quốc sẽ có bước phải phun khử khuẩn hàng nông sản khô, do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải đóng gói sản phẩm khô để tránh bị hỏng.

Thay đổi quy trình giao nhận hàng tại cửa khẩu Tân Thanh xuất sang Trung Quốc

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn  vừa công bố phương án thực hiện quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 cửa khẩu Tân Thanh, Việt Nam – Pò Chài, Trung Quốc. Theo đó, quy trình gồm các bước sau:

Bước 1: Lái xe đường dài chở hàng hóa xuất khẩu, hoặc xe không hàng (để nhận hàng nhập khẩu) đến khu vực bến xe Công ty Cổ phần thương mại vận tải Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên), tiến hành bàn giao phương tiện cho Đội lái xe chuyên trách. Sau đó quay về khu lưu trú tập trung tại cửa khẩu Tân Thanh.

Bước 2: Lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển phương tiện từ bến xe Công ty Bảo Nguyên đến Km0 đường biên giới khu vực Mốc 1088/2 – 1089, sau đó xuống khu vực chờ theo quy định.

Bước 3: Bên phía Trung Quốc tiến hành khử khuẩn buồng lái phương tiện. Sau đó, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển xe hàng của Việt Nam đến khu vực kiểm hóa để chờ kiểm tra, kiểm nghiệm và tiến hành khử khuẩn hàng hóa, bốc dỡ sang tải. 

Các phương tiện của Việt Nam sau khi đã thực hiện sang tải xong tại bến bãi Trung Quốc sẽ được các lái xe chuyên trách của Trung Quốc điều khiển xe không hàng hoặc xe chở hàng nhập khẩu đến Km0 đường biên giới khu vực Mốc 1088/2 -1089 đường chuyên dụng hàng hóa để bàn giao lại cho lái xe chuyên trách Việt Nam.

Bước 4: Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu: Lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển đến Km0 đường biên giới khu vực Mốc 1088/2 – 1089 đường chuyên dụng hàng hóa, sau đó xuống xe. 

Các lái xe chuyên trách Việt Nam tiếp nhận xe và điều khiển về bến bãi Công ty Bảo Nguyên để làm thủ tục hải quan.

Để bảo đảm quyền và lợi ích của mình trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh tại thời điểm dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Tây Ninh đề nghị các doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh chủ động nghiên cứu quy trình giao, nhận hàng hóa xuất khẩu mới để có phương án kinh doanh phù hợp, đồng thời tuân thủ nghiêm túc quy trình này.

Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhân viên phục vụ, thành viên tham gia khi đến khu vực cửa khẩu thực hiện các nội dung sau: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (bằng phương pháp Realtime RT-PCR/RT-LAMP) trong 72 giờ kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm; đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (không áp dụng với người đã khỏi bệnh Covid-19); khai báo y tế sử dụng ứng dụng PC-COVID, tuân thủ đầy đủ quy định 5K…

Khánh Nguyên

(Dân Việt)