Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Đà tăng trưởng âm của ngành cá tra đã kéo dài từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu  thủy sản (VASEP) cho thấy trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cá tra  đạt 170 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 13% trong tháng này đã thu hẹp so với các tháng trước đó, song vẫn chưa thoát đà tăng trưởng âm từ tháng 10/2022 đến nay.

 Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 1,2 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.  

Về thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm sang các thị trường chính như Trung Quốc và Hong Kong, Mỹ, EU, CPTPP vẫn giảm hai con số.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc và Hong Kong mua 378 triệu USD cá tra của Việt Nam, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy đây vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam từ năm 2019 đến nay.

Sau Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì vị trí số hai về nhập khẩu  cá tra Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 184 triệu USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8, thị trường này mua 25 triệu USD cá tra Việt Nam, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho biết cùng với việc tồn kho ở Mỹ có xu hướng giảm, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam được kỳ vọng là tín hiệu tốt cho xuất khẩu cá tra sang thị trường này.

Còn CPTPP tiếp tục duy trì đứng vị trí thứ ba về tiêu thụ cá tra nước ta. Tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang CPTPP đạt 158 triệu USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính trong khối CPTPP giảm 1- 47%. Tuy nhiên vẫn có một số thị trường nhỏ ghi nhận tăng trưởng dương hai con số như Brunei tăng 12%, New Zealand tăng 16%.

Đứng ở vị trí thứ 4, EU chi 115 triệu USD cho nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hầu hết thị trường trong khối EU đều giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam 14-65%, cá biệt có một số thị trường vẫn tăng trưởng hai đến ba con số như Thụy Điển tăng 28%, Đức tăng 19%, Đan Mạch tăng 18%, Estonia tăng 138%, Phần Lan tăng gấp hơn 11 lần.

Trong khi các thị trường chính sụt giảm mạnh, xuất khẩu cá tra sang một số thị trường nhỏ ghi nhận tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, điển hỉnh như Arab Saudi tăng 79%, Brazil tăng 53%, Colombia tăng 14%, Ai Cập tăng 14%.

Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)