Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi từ tháng 3/2023 do nhu cầu tiêu dùng tăng, dịch COVID-19 được kiểm soát.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong tháng 2, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc đạt 102 triệu USD, tăng 26% so với tháng 2.
Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 126,5 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi từ tháng 3/2023 do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)”, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc, đồng thời là đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa hai nước Trung – Việt sẽ khởi sắc từ tháng 3/2023, khi nước này dần đẩy lùi được dịch COVID-19 và mở cửa thương mại.
Một tin vui ông Tô Vạn Quang mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam là công ty này đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng (Quảng Tây, Trung Quốc). Nhờ đó, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn trong thời gian nhanh chóng.
Chính quyền TP Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.
Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa, nhưng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường cung cấp khác.
Bên cạnh đó, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rào cản như thủy sản tươi sống chưa được xuất khẩu chính ngạch; việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc trên hệ thống thương mại một cửa của phía Trung Quốc còn chậm…
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết công ty đã và đang xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống, chủ yếu là qua cảng ICD Thành Đạt – Km3 + Km4, tại cặp chợ Biên Mậu Móng Cái – Đông Hưng, thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế.
Do đó, đại diện công ty Vĩ Tuyến đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được.
“Nếu được, tôi mong muốn các bộ ngành xem xét có giải pháp xin miễn trừ báo cáo tài chính hình thức làm thủ tục xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới đối với các doanh nghiệp”, ông Trần Văn Út nói.
Về phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký thông tin mỗi năm Trung Quốc chi đến 2 tỷ USD để nhập thủy sản tươi sống nhưng Việt Nam chỉ mới cung cấp khoảng 322 triệu USD, chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu nên cơ hội cho mảng này rất lớn.
Đại diện VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT đẩy nhanh công tác xét duyệt hồ sơ cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và tháo gỡ khó khăn về quy trình, đồng thời đề nghị phía cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cải tiến về công nghệ, số hóa để khắc phục tình trạng này.
Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)