Lãi suất huy động có tăng nhưng mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng duy trì ổn đinhgj nhằm hỗ trợ kinh tế phục hồi.
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá về một số chỉ tiêu vĩ mô trong 6 tháng đầu năm.
Theo nhận định của nhóm chuyên gia, lãi suất huy động và tỷ giá 6 tháng đầu năm có tăng lên song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát. Lãi suất huy động của các NHTM tăng 0,5-1% chủ yếu ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng.
Lý giải về nguyên nhân mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu cho rằng lãi suất tăng trước hết là bởi thanh khoản của hệ thống các TCTD không còn dồi dào như năm 2021.
Thực tế, từ đầu năm 2022 đến nay, thanh khoản của toàn hệ thống đã có lúc trong trạng thái căng thẳng được thể hiện rõ ràng thông qua biến động của lãi suất liên ngân hàng. NHNN cũng đã bắt đầu khởi động lại kênh phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở sau hơn 2 năm ngừng hoạt động nhằm hỗ trợ thanh khoản.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác làm tiền đề cho việc mặt bằng lãi suất ở mức cao hơn theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV là bởi nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang tăng cao, kéo theo nhu cầu vốn tăng. Số liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng hết tháng 6 khoảng 8,5%, cao hơn nhiều so với mức 6,44% so với cùng kỳ năm 2021 trong khi đó, huy động vốn mới chỉ tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay sẽ vẫn được duy trì ổn định nhằm hỗ trợ phục hồi, nhất là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng đang được tích cực triển khai.
Về vấn đề tỷ giá, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá có thời điểm biến động mạnh, chủ yếu là do đồng USD lên giá. Đặc biệt là kể từ tháng 5/2022 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đa liên tiếp có những động thái tăng lãi suất cơ bản (hiện đang ở mức 1,5-1,75%) nhằm kiểm soát lạm phát. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,0% và hiện vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nhóm chuyên gia cũng đưa ra dự báo về biến động của tỷ giá trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, tỷ giá cuối năm nay sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, dự báo cả năm có thể tăng khoảng 2,5%. Kỳ vọng này được đưa ra dựa trên cơ sở mức tăng của đồng USD thời gian tới sẽ không còn quá mạnh như 6 tháng vừa qua, đồng thời cung- cầu ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục được hỗ trợ tích cực. Cán cân thương mại dự báo thặng dư 4-8 tỷ USD trong năm 2022 và dự trữ ngoại hối khá dồi dào, trên 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt nhằm hỗ trợ ổn định thị trường.
Hiểu Lam (Nhịp sống kinh tế)