Tín hiệu vui là những ngày gần đây, giá heo hơi đang tăng trở lại, hiện dao động quanh mức 60.000 – 64.000 đồng/kg. Giá gà lông màu cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình này, một số chủ trang trại đã tính chuyện tái đàn cho dịp cuối năm, nhưng vẫn canh cánh nhiều nỗi lo.

Nuôi lợn nhiều rủi ro, chẳng khác nào đánh bạc

Trở lại câu chuyện chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Việt Dũng ở xã Minh Quang (huyện Ba Vì, Hà Nội), anh Dũng cho biết, suốt mấy tháng nghỉ chăn nuôi, bỏ không chuồng trại, gia đình anh cũng rất nhớ nghề. Lúc trước, trong chuồng nuôi hàng trăm con lợn thịt và hơn 20 lợn nái, anh Dũng rất bận rộn. Giờ thì ngoài chăm mảnh vườn đang trồng ít cây ăn quả, anh chẳng có việc gì làm.

Mọi chi tiêu sinh hoạt mấy tháng qua dựa cả vào những buổi chạy chợ của vợ anh. Tuy nhiên, do buôn bán nhỏ nên anh chị vẫn phải tằn tiện, ngó trước ngó sau.

“Trước đây, buổi sáng chưa mở mắt dậy đã nghe đàn lợn kêu eng éc trong chuồng đòi ăn. Từ khi chăn nuôi thua lỗ kéo dài, rồi lại bị dịch tả lợn châu Phi hỏi thăm, chuồng trại không còn mống lợn nào vợ chồng tôi cũng thấy buồn bực. Tôi đã bàn với vợ, tháng sau sẽ gom góp tiền tích cóp và vay mượn thêm để mua mấy chục lợn thịt về nuôi bán tết. Chuồng trại đầu tư thế này rồi, tốn kém không ít nên không thể bỏ hoang mãi được” – anh Dũng chia sẻ.

Cũng theo lời anh Dũng, giá lợn hơi đang tăng lên, nếu giữ được đà tăng thì người chăn nuôi sẽ có lãi và gỡ gạc được vốn đầu tư. 

“Tôi hi vọng giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng. Với giá cám tăng phi mã thời gian qua thì giá lợn hơi phải trên 70.000 đồng/kg nông dân mới có tiền tái đầu tư. Nhưng mong nhất vẫn là đẩy lùi được dịch tả lợn châu Phi, chứ tình cảnh này nuôi lợn chẳng khác nào đánh bạc” – anh Dũng cho hay.

Anh Nguyễn Mạnh Toàn, chủ 1 đại lí cám, đồng thời cũng đang là chủ hộ nuôi lợn ở xã Minh Quang (Ba Vì – Hà Nội) cho biết, hiện gia đình anh đang phải nuôi cầm chừng vì giá cám tăng cao quá. “Nhờ trời mà dịch tả lợn châu Phi chưa “hỏi thăm” đàn lợn nhà tôi. Giờ nuôi con gì cũng khó, mọi chi phí đều tăng mà giá bán ra thì bấp bênh. Nửa đầu năm nay chăn nuôi lợn lỗ vốn rồi, chỉ trông chờ vào thị trường cuối năm thôi”.

Anh Toàn than thở: Hễ giá lợn hơi lên được vài nghìn đồng là mọi người lại bảo “trúng lớn” rồi. Nhưng lúc thiệt hại vì bão giá, bão dịch bệnh, có ai hiểu cho nỗi khổ của người chăn nuôi? Vất vả, mạo hiểm là thế mà vẫn cứ phải duy trì để còn có lúc gỡ gạc.  

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Canh bạc cuối năm (Bài 6) - Ảnh 2.
Chuồng trại nuôi lợn của gia đình anh Dũng đã xuống cấp, ô lồng hoen gỉ. Ảnh: M.H

Chờ giá lợn tăng để gỡ gạc

Ngày 12/7, trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Công Bắc, người đang có đàn lợn quy mô lớn nhất nhì tỉnh Sơn La cho biết, nghịch lí ở chỗ dù thua lỗ thì người chăn nuôi vẫn phải duy trì đàn. Mục đích là để khi giá lên còn có sản phẩm bán mà gỡ vốn.

Quả thật, chỉ trong 1 tuần gần đây giá lợn hơi tại Sơn La đã tăng 10.000 đồng/kg. Hiện thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 67.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông Bắc thu lãi hơn 600.000 đồng/con lợn.

Hiện ông Bắc đang sở hữu 3 trang trại nuôi lợn, tổng đàn 1.500 con lợn nái và khoảng 20.000 con lợn thịt. Trung bình mỗi tháng, ông Bắc xuất bán ra thị trường 200 tấn lợn hơi.

Tuy nhiên, áp lực chi phí đối với ông Bắc cũng rất lớn. “Nuôi nhiều thì chi phí càng nhiều. Để có vốn duy trì chăn nuôi thường xuyên, tôi đang phải vay 2 ngân hàng 45 tỷ đồng. Mỗi tháng, tôi phải lo trả lãi vay hơn 200 triệu đồng, chỉ tính riêng tiền cám mỗi ngày đã hết 300 triệu đồng” – ông Bắc nói.

Khi phóng viên Dân Việt hỏi hạch toán chăn nuôi lợn từ lúc cai sữa đến khi xuất chuồng (khoảng 110-120kg), ông Bắc liệt kê các khoản như sau: Tiền lợn giống 1,8 triệu đồng/con loại 6kg. Tiền mua thuốc thú y, vaccine các loại 250.000 đồng/con. Chi phí nhân công 150.000 đồng/con; tiền điện, nước khoảng 80.000 – 100.000 đồng/con. 

Lãi suất ngân hàng 50.000 đồng/con; khấu hao chuồng trại 400.000 đồng/con. Hao hụt do dịch bệnh, lợn ốm yếu khoảng 5% doanh thu.

“Nặng nhất hiện nay là tiền cám. Giá 1 bao cám rẻ nhất hiện cũng 300.000 đồng/bao 25kg (giá trước khi tăng khoảng 250.000 đồng/bao); đắt nhất là cám dành cho lợn mới cai sữa, tập ăn 700.000 đồng/bao (trước là 300.000-400.000 đồng/bao). Để nuôi được 1 con lợn tạ, trại của tôi trung bình tiêu tốn 10 – 11 bao cám, khoảng 3,6-3,8 triệu đồng” – ông Bắc tính.

Chia sẻ về dự định cho tương lai, ông Bắc nói: “Chăn nuôi lợn là nghề của tôi, ăn vào máu thịt tôi rồi nên dù giá cả thị trường có biến động thế nào, tôi vẫn theo đuổi con lợn. Hiện tôi đang trình UBND tỉnh Sơn La dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô 1.800 lợn nái và 20.000 lợn thịt”.

Bảng kê các loại chi phí chăn nuôi 1 con lợn từ khi cai sữa đến xuất chuồng tại trang trại của ông Nguyễn Công Bắc (ước tính)

STTKhoản chi phíSố tiền (đồng)
1Lợn giống1.800.000 
2Thuốc thú y, vaccine, điện, nước300.000 
3Thuê nhân công150.000
4Tiền thức ăn chăn nuôi3.600.000 
5Lãi suất ngân hàng50.000 
6Khấu hao chuồng trại, thiết bị400.000
7Hao hụt do dịch bệnh, lợn ốm5%
8Tổng:6.300.000

Thiên Hương (Dân Việt)