Nhờ chủ động ngăn ngừa, kiểm soát các dịch bệnh liên quan, sản lượng thịt gia cầm liên tục tăng và góp phần ổn định rổ hàng hóa CPI, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Tăng trưởng ổn định
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Dự án “Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gia cầm là minh chứng rõ nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, hồi năm 2003, bệnh cúm gia cầm A/H5N1 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, trên địa bàn hơn 2.000 xã, phường, thị trấn khiến khoảng 50 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Từ năm 2004 đến 2014, Việt Nam ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 ca tử vong (chiếm trên 50%) vì mắc bệnh cúm A/H5N1.
Tuy nhiên, sau khi Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ tổ chức các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, với hàng trăm triệu liều vacxin được mua hàng năm, chưa có trường hợp nào bị tử vong vì cúm gia cầm từ năm 2014. Trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượng gia cầm bị tiêu hủy vì bệnh cúm chưa tới 100.000 con.
“Sau 8 tháng, tổng sản lượng thịt gia cầm khoảng 1,9 triệu tấn, với mức tăng trưởng ổn định qua các năm khoảng 3,6%. Rõ ràng, công tác giám sát cúm gia cầm và các bệnh có thể lây sang người từ động vật được thực hiện tốt. Đó cũng là cơ sở để tăng tỷ lệ thịt gia cầm lên khoảng 30 – 35% trong tổng sản lượng thịt 7,5 triệu tấn vào các năm tới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân, địa phương, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận xét, vai trò của các quốc gia, tổ chức quốc tế đã giúp Việt Nam giám sát cúm gia cầm và các dịch bệnh động tác. Trong số này, có dự án do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) tài trợ.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, CDC Hoa Kỳ đã tài trợ tổng kinh phí 2,68 triệu USD. Nhờ nguồn kinh phí này, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025 và Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030.
Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y thông tin, dự án đã hỗ trợ và đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về dịch tễ, giám sát dịch bệnh, phân tích số liệu và chẩn đoán xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và bệnh dại cho hơn 1.151 lượt cán bộ của 44 tỉnh, thành phố tham gia dự án.
Hơn 800 lượt cán bộ thú y được tham dự các hội nghị chuyên sâu về bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và các bệnh chung giữa người và động vật. Đồng thời, 29 học viên của các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y được tập huấn kỹ thuật phân tích gien virus cúm gia cầm. Cục Thú y cũng gửi sang CDC Hoa Kỳ gần 10.500 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm để CDC Hoa Kỳ nghiên cứu.
Hướng tới phát triển bền vững
Với những kết quả hợp tác tích cực, có hiệu quả trong nhiều năm qua, ngày 24/1/2022, CDC Hoa Kỳ thông báo về việc xem xét, hỗ trợ Cục Thú y tiếp tục xây dựng dự án mới về tăng cường năng lực và tổ chức triển khai các hoạt động về giám sát bệnh cúm gia cầm, bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm khác trong 5 năm từ tháng 10/2022 đến 9/2027.
Trên cơ sở đó, Cục Thú y đã tổ chức xây dựng, nộp thành công hồ sơ Dự án mới vào ngày 11/4/2022. Kết quả, ngày 25/8/2022, CDC Hoa Kỳ thông báo chấp thuận và cấp khoản kinh phí 690.000 USD để Cục Thú y Việt Nam tổ chức triển khai năm đầu tiên, từ ngày 30/9/2022 đến ngày 29/9/2023 của Dự án mới.
Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ giám sát cúm gia cầm tại 15 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước; giám sát cúm lợn tại lò mổ, điểm giết mổ lợn của 10 tỉnh, thành phố; Điều tra, ứng phó với các ổ dịch; Tích hợp, nâng cấp Hệ thống báo cáo dịch bệnh VAHIS, bảo đảm có đầy đủ hơn về thông tin, số liệu dịch bệnh…
Bảo Thắng (Nông nghiệp Việt Nam)