Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), thời gian qua, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự đóng góp lớn của hệ thống khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khu vực chăn nuôi nông hộ, trang trại cũng đang có sự chuyển dịch rất lớn theo hướng quy mô lớn, chuyên nghiệp hóa, góp phần duy trì đà tăng trưởng của ngành từ 5 – 7%/năm.
Ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2021, tính đến tháng 6/2022, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%). Đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt xuất chuồng khoảng 980.000 tấn (tăng 5,2%); sản lượng trứng khoảng 8,8 tỷ quả (tăng 4,8%).
Tổng đàn bò tăng 2,2%, sản lượng thịt hơi khoảng 241.200 tấn (tăng 4,4%); sản lượng sữa tươi khoảng 617,8 triệu lít (tăng 10,1%)… Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 5,7% (toàn ngành nông nghiệp đạt 2,8%).
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi có vai trò rất lớn của các doanh nghiệp. Đây là lực lượng “đầu tàu”, dẫn dắt toàn bộ chuỗi giá trị ngành chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện nhiều chuỗi giá trị khép kín của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như CP, TH, Dabaco, De Heus…, vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường.
Một thành công lớn của lĩnh vực chăn nuôi là không những đảm bảo năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, mà còn tuân thủ quy định về phúc lợi động vật, với quá trình chăn nuôi, giết mổ được thực hiện theo các quy định hiện hành.
Trong vài năm tới, chăn nuôi Việt Nam sẽ có bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa, bởi “làn sóng” đầu tư của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Ông Chinh cho biết, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay đã có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, với tổng vốn 2,2 tỷ USD. Các dự án này tập trung chủ yếu vào mảng thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi lợn, gà, bò; giết mổ, chế biến; xử lí môi trường…
Điển hình như cụm dự án Tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của Tập đoàn De Heus Hà Lan (liên kết với Tập đoàn Hùng Nhơn); dự án nhà máy giết mổ, chế biến của Tập đoàn C.P Thái Lan tại Hà Nội, Bình Phước. Các dự án này được đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín, sản xuất bền vững từ trang trại đến bàn ăn.
Song song với thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực chăn nuôi cũng đang trở thành “miếng bánh béo bở” của các doanh nghiệp lớn trong nước, nhất là ở mảng nuôi lợn, chế biến thịt Những cái tên nổi bật như Masan, Dabaco, Tân Long, Trường Hải, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Với “làn sóng” đầu tư này, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp ngày càng tăng, trong khi số cơ sở chăn nuôi nông hộ thì giảm dần.
Điển hình trong chăn nuôi lợn, cả nước hiện chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng giai đoạn 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ, quy mô nông hộ giảm từ 15-20% do bị ảnh hưởng liên tiếp bởi các loại dịch bệnh mới nổi như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng…
Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại phải liên kết
Ông Tống Xuân Chinh cũng chỉ rõ những thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Đó là 47% sản lượng chăn nuôi còn nằm ở khu vực nông hộ – nơi thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh dịch mới nổi như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, mới đây nhất là dịch tả lợn châu Phi… Thách thức từ việc vừa phải phát triển chăn nuôi đảm bảo an ninh thực phẩm cho người dân, đồng thời phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hướng tới nền chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, phát triển theo hướng nền kinh tế tuần hoàn.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, thời gian tới, ngành chăn nuôi có 4 định hướng, nhiệm vụ quan trọng.
- Thứ nhất, phải nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kiểm soát tất cả các khâu trong ngành nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi.
- Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn phát triển chăn nuôi trang trại ở các quy mô khác nhau, đặc biệt là trang trại quy mô lớn của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị khép kín. Trong chuỗi này, các nông hộ, trang trại sẽ trở thành đối tác, thành viên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển chuỗi.
- Thứ ba, ngành chăn nuôi còn nhiều tiềm năng gia tăng giá trị ở lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm. Đây là lĩnh vực đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất, song cũng không ít rủi ro. Vì vậy cần có hành lang pháp lý nhằm đảm bảo khâu giết mổ, chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thứ tư, cần có các giải pháp công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng, chất thải nông nghiệp nói chung để sản xuất thành phân bón hữu cơ, qua đó giải quyết 2 vấn đề: Vừa xử lý ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra giá trị cho sản xuất.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực nhập khẩu. Đối với chăn nuôi nông hộ, ông Chinh nhấn mạnh: “Nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau để tăng sức mạnh, trở thành thành viên tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, người chăn nuôi có thể tăng sức cạnh tranh khi trở thành thành viên của chuỗi liên kết”.
Minh Huệ (Dân Việt)