Các hộ nuôi heo ở miền Nam cho biết đang bị lỗ từ 50-500 triệu đồng khi giá heo hơi về mốc 50.000 đồng một kg.
Đầu tháng 1, không khí gia đình ông Du làm nghề chăn nuôi heo tại thị xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang khá ảm đạm khi giá heo hơi giảm mạnh, nỗi lo thua lỗ cận kề.
Ông Du cho biết đang nuôi 120 con heo, bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào tiền mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhân công. Tất cả đều trông đợi vào đợt xả chuồng cao điểm Tết bán kiếm lời, trang trải chi phí.
Nhưng ông nhẩm tính, với giá heo hơi được thương lái báo những ngày qua xuống mức 50.000 đồng một kg, nếu bán lúc này sẽ bị lỗ một triệu đồng mỗi con, tương đương tổng mức lỗ 120 triệu đồng cả đàn. “Nếu giữ chờ tăng giá thì sợ rủi ro tăng chi phí, trong khi không dám chắc qua mùa cao điểm hoặc sát Tết, tình hình có cải thiện hay không”, ông Du chia sẻ.
Cách chuồng trại của ông Du 3 km, bà Liễu – người đang nuôi đàn heo 500 con – cũng đứng ngồi không yên vì giá heo hơi giảm ngay đợt cao điểm chuẩn bị xuất chuồng mùa Tết. Bà Liễu cho biết, chi phí đầu tư cho đàn heo rất cao, quy mô đàn lớn có thể tiết kiệm chi phí so với đàn nhỏ, nhưng rủi ro lại nhiều hơn vì vốn lớn.
Theo đó, chi phí chuồng trại, thức ăn, tiền heo giống, nhân công, vaccine và thuốc phòng bệnh đến những phí tổn khác, chưa kể tỷ lệ heo chết trong quá trình nuôi, khiến tiền vốn lên đến hàng tỷ đồng. Vốn nặng, chi phí nuôi tăng 10-15% so với cùng kỳ 2021 nhưng giá heo hơi đến kỳ xuất chuồng chỉ 50.000 đồng một kg, giảm 20% so với cách đây hai tháng.
Bà Liễu ước tính bị lỗ gần 900.000 đồng một con, tương đương mức lỗ 450 triệu đồng cho lứa heo Tết. “Tôi phải kết hợp bán sỉ cho thương lái và giao thịt heo lẻ cho các điểm nhà hàng, quán ăn, sạp chợ để giảm thiểu thua lỗ”, bà Liễu nói và cho hay có thể năm sau gia đình phải thu hẹp đàn xuống vì mất vốn.
Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, nhiều người nuôi tại Long An, Đồng Nai cũng lỗ nặng. Ông An – người nuôi kiêm thương lái thu mua heo ở Đồng Nai – cho biết lần này gia đình ông lỗ gần 200 triệu đồng vì giá heo hơi xuống quá thấp.
“Hiện giá thành chăn nuôi một con heo đang là 60.000 đồng một kg trong khi giá bán ra 50.000 đồng. Tôi cố gắng mua với giá tốt nhất cho nông dân nhưng với tình hình này, hầu hết hộ chăn nuôi đều chịu mức lỗ từ 50-200 triệu đồng, tùy quy mô”, ông An nói.
Theo ông An, hiện, sức tiêu thụ trên thị trường rất chậm, giá có thể tiếp tục điều chỉnh theo nhu cầu thị trường nên năm nay ông sẽ ngừng thu mua sớm hơn so với mọi năm 10 ngày trước Tết.
Là doanh nghiệp có quy mô chăn nuôi heo lớn nhất cả nước – ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P VN – cũng nhìn nhận giá heo giảm khiến lợi nhuận các doanh nghiệp chăn nuôi không đáng kể và buộc phải cân đối cũng như thắt chặt chi phí sao cho hợp lý.
Lý giải thêm về việc giá heo lao dốc mạnh, ông Huy cho rằng do nguồn cung trên thị trường tăng cao. Đặc biệt, so với mọi năm, thị trường xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này khiến tổng đàn heo trên thị trường tăng mạnh nhất trong 5 năm qua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết theo số liệu thống kê, tổng đàn heo cả nước đạt gần 31,5 triệu con, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, nguồn cung heo trên thị trường khá dồi dào.
Ngoài ra, tình hình dịch tễ đang khá phức tạp, heo bị dịch bệnh chết tăng cao khiến nguồn heo dưới tiêu chuẩn (60-70 kg một con) “đổ” ra thị trường lớn cũng khiến giá heo giảm.
Song song đó, thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc dù đang có nhu cầu cao, các nhà làm chính sách của Việt Nam vẫn chọn cách đóng cửa để giữ giá, tránh tăng cao điểm Tết nguyên đán nên đầu ra chăn nuôi heo bị chững lại, giá đi xuống.
Thi Hà – Trung Tín (vnExpress)