Các hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết đang kiệt quệ, ‘treo chuồng’ hàng loạt vì bán sản phẩm dưới giá thành, mong ngân hàng gia hạn nợ vay.
Trong tâm thư gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 28/3, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi.
Theo đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng ngành này đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện, giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến hàng loạt người dân và doanh nghiệp chăn nuôi heo, bò, gà điêu đứng, thua lỗ nặng và treo chuồng.
Ông Công dẫn chứng, cách đây 10 năm, cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi, đến 2021 còn 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Nếu không sớm có các giải pháp đồng bộ, nhiều vùng có nguy cơ bị xóa sổ về chăn nuôi.
Trước mắt, Hiệp hội này đề xuất với Ngân hàng Nhà nước bốn giải pháp. Đầu tiên là xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ. Tiếp theo, Hội đề nghị các ngân hàng tiếp tục triển khai các gói vay đặc thù cho đầu tư trang trại đến các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản.
Ngoài ra, khi thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, ngân hàng nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng. Doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn để tăng quy mô làm ăn.
Cuối cùng, hiệp hội này mong các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, qua khảo sát thực tế của hội, chưa doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này.
Kiến nghị của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra trong bối cảnh các trang trại, hộ chăn nuôi rơi vào khó khăn chồng chất. Ghi nhận của VnExpress cho thấy nhiều hộ có quy mô đàn gà dưới 20.000 con và đàn heo dưới 200 con đang “treo chuồng” vì chăn nuôi thua lỗ, không còn vốn để tái đầu tư.
Trang trại nuôi gà, diện tích gần 10 ha, quy mô 100.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) ngưng hoạt động hơn 2 tháng qua vì lỗ nặng.
Ông Ngọc tính toán giá thức ăn chăn nuôi ở mức bình quân 13.500 đồng một kg. Để cho ra 1 kg gà thịt công nghiệp cần từ 1,6 kg thức ăn (khoảng 21.500 đồng). Cộng hết các loại chi phí, giá thành một con gà (2 kg) 53.000-55.000 đồng. Trong khi giá thịt chỉ ở mức 23.000-25.000 đồng một kg (46.000-49.000 đồng một con). Mỗi con gà xuất chuồng, người nuôi lỗ khoảng 4.000-5.000 đồng.
“Một lứa gà nuôi chưa tới hai tháng, trại tôi đã lỗ đến 4-5 tỷ đồng”, ông Ngọc nói.
Chung cảnh ngộ, các hộ nuôi heo khác cũng đang “đứng ngồi không yên”. Ông Lanh, hộ chăn nuôi 200 con heo ở Đồng Nai cho biết đã ngưng nuôi từ cuối tháng 1 đến nay. Trước Tết bao nhiêu vốn liếng, ông đổ dồn vào tiền mua thức ăn, thuốc phòng bệnh, nhân công. Thế nhưng, đến ngày xuất chuồng, giá heo hơi bán ra chỉ 50.000 đồng một kg khiến ông lỗ một triệu đồng mỗi con.
“200 con, tôi lỗ 200 triệu đồng. Sau Tết, cứ ngỡ giá thịt heo sẽ tăng lên để có động lực tái đàn nhưng với giá lao dốc về 48.000 đồng, tôi đành treo chuồng”, ông Lanh nói.
Tương tự, các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn như C.P, Hoàng Anh Gia Lai hay Vissan, Dabaco đều cho biết không có lãi khi giá heo liên tục giảm.
Nói với VnExpress, ông Lê Văn Quyết – Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ đánh giá, ngành chăn nuôi đang vô cùng khó khăn. Số lượng các hộ nuôi treo chuồng với con số lên 50% và tình trạng này tiếp tục leo thang. Dự báo, các trang trại nhỏ nuôi gà với quy mô nhỏ có nguy cơ xoá sổ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Quyết do giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán heo thấp dưới giá thành, bệnh dịch tả heo châu Phi đã khiến sức sản xuất của người chăn nuôi kiệt quệ.
Hiện, gà, heo nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam càng làm hàng trong nước lép vế trước bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu.
Ngoài ra, các nông hộ đang chịu áp lực lớn khi các doanh nghiệp trong nước và FDI có nguồn vốn lớn. Họ chủ động được nguồn con giống, thức ăn, có quy trình nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt… nên giá thành sản xuất thường thấp hơn nhiều so với nông hộ. Do đó, với giá bán thấp kéo dài hiện nay, người nuôi nhỏ lẻ không thể tồn tại.
Theo ông Quyết, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ để cứu ngành chăn nuôi. Đối với các nông hộ, trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ cần được tiếp cận vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, cần có chính sách hợp lý để điều chỉnh giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.
Ông Ngọc cũng cho rằng Chính phủ cần có ưu đãi cho người chăn nuôi và bảo hộ sản phẩm trong nước; có giải pháp siết chặt thị trường thịt nhập khẩu giá rẻ và yêu cầu có nhãn mác truy suất nguồn gốc. Ngoài ra, cần cho hàng Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu để nâng cao giá trị.
Thi Hà (vnExpress.net)