Tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu tôm tháng 5 thấp hơn nhiều so với những tháng trước đó (từ 33% – 55%). Đồng thời, đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tốc độ suy giảm của hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm trong tháng 5 giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 331 triệu USD. Tuy nhiên, tốc độ giảm này thấp hơn nhiều so với những tháng trước đó (từ 33% – 55%). Đồng thời, đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tính chung 5 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 34% xuống 1,2 tỷ USD.
Giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đã có dấu hiệu tạo đáy. Theo dữ liệu chúng tôi thu thập từ CTCP WiGroup, giá tôm thẻ trung bình tính đến ngày 18/6 ở mức gần 88.000 đồng/kg, tăng so với mức khoảng 83.800 đồng/kg hồi cuối tháng 5.
Giá tôm sú cũng đi ngang quanh mức 183.000 – 184.000 đồng/kg. Giá tôm sú liên tục giảm kể từ dịch Tết Nguyên Đán, tuy nhiên, từ tuần 21 đến 23, đà giảm đã chững lại.
Việc giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng từ tháng 6 được xem là dấu hiệu tích cực. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), 2 tháng qua việc thả tôm nuôi bị giảm sụt khá lớn, hậu quả là từ tháng 6 này lượng tôm thương phẩm trên thị trường không nhiều, trong khi các năm qua tháng 6 là lúc thu hoạch cao điểm.
“Và cái kết có chút an ủi là giá cả mua vào của các doanh nghiệp chế biến như là đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi theo quy luật cung cầu, dù mức giá tăng có phần chậm rãi! Nhưng có tăng còn hơn không”, ông Lực nhận định.
Theo ông thực tế thời gian qua, nếu doanh nghiệp đủ vốn lưu động có thể kìm phần nào đà giảm giá bán. Nhưng thực tế không được như vậy , các doanh nghiệp đa phần phải sống dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Các doanh nghiệp có vốn nhà khỏe hơn, muốn bán được hàng, phải hòa mình vào vòng xoáy giảm giá bán, nếu không, phải thu hẹp hoạt động. Chỉ những đơn hàng cung cấp các hệ thống cao cấp thì giá bán còn khá hơn. Nhưng chiều ngược lại, các doanh nghiệp phải đạt những chuẩn mực do bên hệ thống tiêu thụ đưa ra.
Tại ĐHĐCĐ 2023 của CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú diễn ra hôm 24/6, Tổng giám đốc Lê Văn Quang, nhận định thị trường năm nay biến động rất khó lường, nhưng vẫn có những tín hiệu tốt, theo VNEconomy.
Cụ thể, do giá tôm trên thị trường hiện đang thấp, nên tình trạng “treo ao” ở Ấn Độ tới 30-50%. Còn tại Ecuador, lượng mưa nhiều, tôm chết tới 30%. Điều này khiến sản lượng tốm cuối năm nay sẽ giảm mạnh và giá thành sẽ tăng.
Còn tại Việt Nam, do giá tôm thấp cũng khiến nhiều người nuôi “treo ao” tăng tới 30-50%. Theo đó, sản lượng tôm cũng sẽ giảm 30-50%. Khi nguồn cung thiếu sẽ giúp “đẩy” nhanh hàng tồn kho ra thị trường cuối năm nay khi dịp cuối năm có nhiều lễ hội: Tết, Noel… sẽ khiến mức tiêu dùng tăng lên, khi đó giá tôm sẽ tăng trở lại.
“Dự kiến giá tôm sẽ tăng từ tháng 8 năm nay trở đi, và có thể giảm tồn kho nhanh chóng và bán hàng tốt hơn”, ông Quang nhận định.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)