Ở cuộc họp lần này, Fed không tăng lãi suất và duy trì ở phạm vi 5,25% đến 5%, mức cao nhất trong khoảng 22 năm.
Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 20/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất. Ngoài ra, NHTW cũng cho biết có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.
Với động thái tăng lãi suất được dự kiến thực hiện vào cuối năm, thì Fed sẽ thực hiện hàng chục đợt tăng kể từ khi bắt đầu thắt chặt chính sách vào tháng 3/2022.
Ở cuộc họp lần này, thị trường cũng dự đoán Fed sẽ không tăng lãi suất, duy trì ở phạm vi 5,25% đến 5%, mức cao nhất trong khoảng 22 năm.
Dù không tăng lãi suất, song thị trường vẫn chưa chắc chắn về bước đi tiếp theo của FOMC. Các dự báo được đưa ra trong biểu đồ dot plot của Fed cho thấy khả năng NHTW sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay, sau đó là 2 đợt cắt giảm vào năm 2024 – ít hơn 2 lần so với lần cập nhật gần đây nhất vào tháng 6. Theo đó, lãi suất liên bang sẽ ở khoảng 5,1%.
Trong đó, 12 thành viên của uỷ ban đồng ý thực hiện thêm 1 đợt tăng lãi suất mới, trong khi có 7 người phản đối. Ngoài ra, dự báo về mức lãi suất chuẩn cũng tăng cao hơn vào năm 2025, trung bình là 3,9% trong khi trước đó là 3,4%.
Về dài hạn, các thành viên FOMC cho biết lãi suất chuẩn sẽ ở khoảng 2,9% vào năm 2026. Con số này cao hơn mức mà Fed coi là ngưỡng lãi suất trung tính (neutral rate, tức là mức lãi suất không có tác động tiêu cực hay tích cực đến nền kinh tế). Đây cũng là lần đầu tiên FOMC đưa ra triển vọng cho năm 2026, với mức lãi suất trung tính trong dài hạn dự kiến là 2,5%.
Ngoài duy trì lãi suất ở mức tương đối cao, Fed đang tiếp tục giảm lượng nắm giữ trái phiếu, thực hiện quá trình cắt giảm khoảng 815 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán từ tháng 6/2022. Fed loại bỏ khoảng 95 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) khỏi bảng cân đối kế toán mỗi tháng, thay vì tái đầu tư.
Ngoài ra, các thành viên cũng điều chỉnh mạnh đối với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong năm nay, với GDP dự kiến tăng 2,1%. Con số này cao hơn gấp đôi so với ước tính hồi tháng 6, cho thấy các thành viên không dự báo về một cuộc suy thoái sớm xảy ra. Triển vọng GDP năm 2024 tăng từ 1,1% lên 1,5%.
Tỷ lệ lạm phát dự kiến cũng giảm 0,2% điểm phần trăm so với tháng 6 xuống 3,7%. Giới chức dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4,1% trước đó xuống 3,8%.
Hơn nữa, thông báo sau cuộc họp cũng cho thấy sự thay đổi trong dự báo của các quan chức về triển vọng kinh tế. FOMC cho biết hoạt động kinh tế “tăng trưởng với tốc độ vững chắc”, trong khi trước đó dùng từ “vừa phải”. Uỷ ban cũng lưu ý rằng đà tăng của thị trường lao động “chậm lại trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao”, trước đó dùng từ “mạnh mẽ”.
Hiện tại, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Fed có thể đạt mục tiêu “hạ cánh mềm” trong việc kiềm chế lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu. Tuy nhiên, tương lai vẫn là chưa chắc chắn và quan chức Fed vẫn thận trọng trước việc tuyên bố chiến thắng quá sớm.
Thị trường lao động Mỹ cho đến nay vẫn có triển vọng rất tích cực, khi tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%, chỉ cao hơn 1 chút so với 1 năm trước. Số liệu lạm phát cũng cho thấy sự khả quan, dù mức hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Thước đo lạm phát ưa thích của NHTW – CPI lõi, trong tháng 7 đang ở mức 4,2%.
Người tiêu dùng Mỹ, vốn chiếm khoảng 2/3 hoạt động kinh tế, đã tiếp tục chi tiêu mạnh dù tiền tiết kiệm giảm dần và nợ thẻ tín dụng lần đầu tiên vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Trong cuộc khảo sát gần đây của Đại học Michigan, triển vọng tương ứng về lạm phát trong 1 và 5 năm đã ở mức thấp nhất rtong nhiều năm.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát lại phản ánh sự lo ngại về tình trạng hiện tại của nền kinh tế. Trong cuộc Khảo sát All-American Survey gần đây nhất của CNBC, 69% số người được hỏi bày tỏ sự không hài lòng với nền kinh tế Mỹ, mức cao kỷ lục về kết quả trong 17 năm qua.
Tham khảo CNBC
Chi Lan (Nhịp sống thị trường)