Trong giai đoạn 2021-2022, do khủng hoảng giá nguyên liệu, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình 34%. Sự gia tăng đặc biệt đáng kể ở các nước Bắc Âu, khoảng 55% ở Phần Lan và Thụy Điển. Do chi phí thức ăn chiếm khoảng 56% chi phí sản xuất ở Phần Lan và lên tới 80% ở miền nam Brazil, nên giá thức ăn chăn nuôi cao đã tác động đáng kể đến chi phí sản xuất.
Tính trung bình ở tất cả các quốc gia thì chi phí sản xuất tăng 27%. Ở Pháp, chi phí thức ăn chăn nuôi trung bình tăng ít hơn so với các nước khác nhờ vào khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc và vai trò của các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hơn do cuộc chiến tranh ở Ukraine vẫn chưa ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi của Pháp, vì các trang trại này vốn được bảo vệ cho đến cuối năm 2022 bởi hợp đồng ba năm.
Ngoài chi phí thức ăn và năng lượng, khấu hao cũng là một chi phí gia tăng khác. Chi phí xây dựng tăng mạnh vào năm 2022 (trung bình 47%) do nhu cầu vật liệu phục hồi sau đại dịch COVID và việc chấm dứt quan hệ thương mại với Nga, một nhà sản xuất nguyên liệu thô dùng trong xây dựng. Lãi suất tăng càng làm cho chi phí xây dựng tăng cao.
Các quốc gia bên kia Đại Tây Dương sản xuất heo có giá thành rẻ nhất. Sau đó, có sự chênh lệch giữa các quốc gia Châu Âu. Ý phát triển các sản phẩm khác biệt: heo nặng cân có giá trị cao hơn nhưng chi phí sản xuất đắt hơn nhiều. Vào năm 2022, sự khác biệt về chi phí trở nên rõ rệt hơn: chi phí sản xuất heo ở Ý cao hơn gấp đôi so với heo từ vùng Trung Tây Brazil. Ngoài chi phí thức ăn, sự biến động trong chi phí sản xuất còn được giải thích bởi giá cả của các yếu tố sản xuất và hiệu quả kỹ thuật của trang trại.
Chi phí lao động phụ thuộc vào cả chi phí lao động theo giờ và năng suất. Trong khi Hà Lan có chi phí lao động cao nhất (27,9 euro/giờ), nhân công của họ cũng có năng suất cao nhất (213 kg thân thịt/giờ). Họ đã tối ưu hóa các khu chuồng và cách quản lý để giảm thời gian lao động trên mỗi con heo nái. Ngược lại, chi phí lao động ở miền nam Brazil tuy thấp (2,8 euro/giờ) nhưng năng suất cũng kém hơn nhiều (64 kg thân thịt/giờ). Brazil, Hoa Kỳ và Tây Ban Nha có chi phí cạnh tranh nhất về mặt này.
Năng suất heo nái của Đan Mạch vẫn cao nhất: Người chăn nuôi Đan Mạch, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, cai sữa trung bình 34,1 heo con/nái trong sản xuất mỗi năm. Hà Lan và Đức cai sữa lần lượt 32,5 và 31,2 heo con/nái/năm. Pháp đạt 30,4 heo con cai sữa/nái/năm (+0,9% so với năm 2021). Tây Ban Nha, bị ảnh hưởng bởi PRRS, đã cai sữa 27,2 heo con/nái/năm, giảm 2% so với năm trước.
Bảng 1. Năng suất kỹ thuật và giá cả các yếu tố sản xuất năm 2022.
Kết quả là chênh lệch giữa giá bán và chi phí ở mức âm ở các quốc gia thuộc mạng lưới InterPIG* (trung bình -0,28 €/kg thân thịt). Chỉ có Hoa Kỳ cho kết quả chênh lệch dương vào năm 2022 (+0,21 €/kg thân thịt). Sự gia tăng giá thịt heo được quan sát trên toàn thế giới không đủ để bù lại những thay đổi về chi phí. Tại Pháp (**), kết quả được cải thiện đôi chút nhưng vẫn âm (-0,09 €/kg thân thịt), Đức là quốc gia được hưởng lợi từ giá mua vào khi nhập khẩu tăng mạnh do nguồn cung thịt heo sụt giảm.
Vào năm 2023, chi phí sản xuất đối với người chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao: giá thức ăn chăn nuôi sẽ không giảm cho đến nửa cuối năm và sẽ vẫn ở mức cao. Các nhà chăn nuôi Pháp sẽ phải đối mặt với sự gia tăng chi phí năng lượng vào năm 2023.
*InterPIG là mạng lưới các chuyên gia quốc tế về chăn nuôi heo.
** Giá bán không tính đến khoản viện trợ đặc biệt liên quan đến COVID mà các nhà chăn nuôi Pháp nhận được.
Theo 3tres3
(Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam)