Cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên lần này được cho là mức cao nhất lịch sử. Hiện các doanh nghiệp cá tra đều đang lo lắng về mức thuế mới.
Áp lực ‘thuế đối ứng’ lên xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với mức thuế đối ứng áp dụng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rạng sáng ngày 3/4, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu mức thuế cao nhất với 46%. Quyết định này tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó có cá tra.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong quý I tăng 13% lên 465 triệu USD. Mỹ là thị trường đơn lẻ tiêu thụ cá tra lớn thứ hai (sau Trung Quốc) với tỷ trọng khoảng 14%.

Trước đây, cá tra Việt Nam đã nhiều lần đối mặt với những lần áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang Mỹ, tuy nhiên lần này được cho là mức cao nhất lịch sử. Hiện các doanh nghiệp cá tra đều đang lo lắng về mức thuế mới.
Theo tính toán của VASEP, giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3,4 USD/kg, nếu áp thuế 46% thì giá có thể tăng lên gấp rưỡi, tức là khoảng 5,1 USD/kg – rất khó để cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác. Doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn khi càng xuất càng lỗ và không ngoại trừ khả năng phải nghiên cứu giảm bớt tỷ trọng, chuyển hướng thị trường.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành bày tỏ lo ngại về tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong thông cáo phát đi hôm 3/4, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) – doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, cho biết dựa trên số liệu sơ bộ, ước tính thuế đối ứng nếu áp dụng có thể tác động tiêu cực làm giảm 15-30% lãi ròng. Tuy nhiên, vị thế có thể thay đổi và tác động thực tế có thể khác nhau tùy thuộc vào mức thuế quan và các yếu tố ngoài tầm kiểm soát.
Còn tại Thuỷ sản Nam Việt (Navico – Mã: ANV), trong thư gửi cổ đông, ông Doãn Tới, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết Mỹ thực tế không phải là thị trường trọng tâm. Các thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, châu Á, Mexico…
Dù vậy, ông Tới thừa nhận Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tiềm năng của công ty ở hiện tại và tương lai, đặc biệt với hai sản phẩm chủ lực là cá tra và cá rô phi.
Theo số liệu từ Dragon Capital, tỷ trọng doanh thu của Navico tại Mỹ năm ngoái khoảng 6%.
Còn tại Vĩnh Hoàn, báo cáo IR của công ty cho thấy doanh thu từ thị trường Mỹ năm ngoái giảm 6% xuống 281 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau nội địa, khoảng 27%. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường duy nhất ghi nhận doanh thu giảm. Các thị trường còn lại như Trung Quốc, EU hay nội địa ghi nhận mức tăng trưởng 10 -17%.

Hoãn áp thuế 90 ngày: ‘Khoảng lặng’ để đàm phán và tái cơ cấu chiến lược
Thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày đã tạo hiệu ứng tích cực tức thì lên thị trường xuất khẩu trong đó có xuất khẩu thủy sản và cá tra Việt Nam.
VASEP nhận định đây được xem là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%.
Việc hoãn áp thuế 90 ngày cũng tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng đang bị đình trệ trước hạn áp thuế 9/4, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài.
Thời điểm này cũng là lúc để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.
Lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho biết ưu tiên của công ty vẫn là hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và các bên liên quan để cùng vượt qua thách thức.
“Như mọi khi, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng địa phương, với tinh thần kiên cường và quyết tâm – những giá trị đã giúp chúng tôi vượt qua nhiều khó khăn trong quá khứ”, bà Tâm nói.
Trước đó, công ty phải đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường Mỹ bao gồm quy định về ghi nhãn, thuế chống bán phá giá, sự bất ổn trong chính sách quản lý, và các chiến dịch truyền thông sai sự thật về cá tra Việt Nam.
Hồi đầu năm nay, Việt Nam và Mỹ đã ký thoả thuận song phương về lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá phi-lê từ Việt Nam. Theo thỏa thuận này, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện dỡ bỏ thuế theo quy định của Mỹ, đồng thời là nhà xuất khẩu cá tra, basa hàng đầu của Việt Nam đã được đưa ra khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu cá tra, cá basa vào Mỹ.
Trong khi đó, Navico lựa chọn chiến lược đa dạng hoá thị trường. Ông Doãn Tới cho biết Navico sẽ đẩy mạnh mở rộng các thị trường hiện có, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, tự động hoá các công đoạn sản xuất.
VASEP khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nên tập trung vào các thỏa thuận với đối tác, bởi chi phí sản xuất, tiền lương, lợi nhuận đều đã được tính toán kỹ lưỡng trong đơn hàng. Áp lực lớn nhất không nằm ở doanh nghiệp mà ở nhà mua hàng và người tiêu dùng khi thuế tăng cao.
Tổng thống Donald Trump áp mức thuế quan riêng với từng quốc gia, thay vì áp thuế lên tổng hàng hóa vào Mỹ như năm 1933, điều này giống như là tín hiệu để Mỹ tiếp tục đàm phán nhằm đạt được những thỏa thuận thương mại trong tương lai.
“Rõ ràng, ngay lúc này doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông,…”, VASEP nhận định.

H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)