Bài 1: Giá cám tăng 10 lần, nông dân bị “móc sạch túi”
Do giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng, nên cứ 100kg lợn hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng. Người nuôi gia cầm, thuỷ sản cũng đang chung cảnh ngộ, giá TĂCN càng lên, nông dân càng bị “móc sạch túi”.
Giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 10 lần chỉ trong vòng hơn 1 năm, trong khi giá bán lợn hơi, giá gia cầm, các loại thuỷ sản nuôi liên tục giảm khiến người chăn nuôi “ngấm đòn” thua lỗ nặng nề.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng 10 lần, nông dân càng nuôi, càng lỗ
Thường xuyên duy trì quy mô 200 con nái và 600 lợn thịt, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên Đán, thì giờ đây ông Đỗ Xuân Nhung ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) phải chi thêm 6 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí thức ăn chăn nuôi.
Nguyên nhân là do giá TĂCN tiếp tục tăng. Tháng 3/2022, nhiều công ty sản xuất TĂCN tiếp tục thông báo tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 tới nay thì đây là lần tăng giá thứ 10.
Với những nông hộ quy mô nhỏ hơn như ông Nguyễn Văn Sáu (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội) gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi kg cám đã tăng từ 200 – 300 đồng. Mỗi ngày, ông Sáu đang phải chi thêm khoảng 200.000 đồng tiền cám cho đàn lợn thịt hơn 60 con. Đây cũng là lý do ông Sáu chưa dám tái đàn sau Tết để khôi phục sản xuất.
“Nếu giá TĂCN thế này thì chăn nuôi không có công, đấy là còn chưa kể rủi ro về dịch bệnh” – ông Sáu nói.
Hiện cám dành cho lợn nái tiếp tục tăng khoảng 25.000 – 30.000 đồng/bao (loại 25kg) lên 270.000 – 290.000 đồng/bao, còn cám dành cho lợn thịt ở mức 330.000 – 360.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc có giá lên đến 600.000 – 700.000 đồng/bao.
Trong khi đó, suốt gần 40 năm làm nghề nuôi vịt lấy trứng ấp, ông Trần Văn Huyền (thôn 6, xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa), chưa thấy bao giờ thấy khó khăn như lúc này. Hiện tại, giá TĂCN đã tăng 20.000 đồng/bao bột (loại 25kg), khiến ông Huyền không khỏi “choáng váng”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán nhận xét, với chi phí đầu vào hiện nay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi đang tăng lên 55.000 – 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá lợn hơi thường ổn định ở mức hơn 50.000 đồng/kg. Tình hình này khiến rất nhiều trang trại có nguy cơ “treo” chuồng.
Ông Trần Văn Huyền chia sẻ: “Tôi đang nuôi nhốt 1.500 con vịt. Gần đây giá TĂCN tăng nhanh từ 373.000 đồng lên 400.000 đồng/bao (loại 25kg). Nhưng giá trứng vịt lại giảm từ 2.600 đồng xuống còn 2.500 đồng/quả. Một ngày, mỗi con vịt cho ăn khoảng 1.600g cám bột, tương đương với 2.200 đồng. Cộng thêm chi phí tiêm phòng vaccine định kỳ cho đàn vịt, tiền điện thắp sáng, công dọn chuồng trại, hao hụt đầu con…, tính ra người nuôi vịt chỉ lãi khoảng 100.000 đồng/15.000 con vịt/ngày. Không bằng đi làm thuê làm mướn” – ông Huyền nói.
Hàng loạt khó khăn đè nặng người chăn nuôi
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, TĂCN chiếm từ 60 – 65% giá thành chăn nuôi lợn. Người chăn nuôi đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
“Với giá nguyên liệu TĂCN tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá TĂCN thành phẩm đã tăng 18 – 22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ từ 2,6 triệu đồng xuống 1,2 triệu đồng/con) nhưng việc tăng chi phí TĂCN đã làm cho lợi nhuận của người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ” – ông Thắng cho biết.
Tổng đàn lợn trong nước phục hồi trở lại, năm 2020 đạt 22 triệu con, năm 2021 là 28 triệu con. Tuy nhiên, trái ngược với đà phục hồi của tổng đàn thì giá lợn hơi từ đầu năm 2021 đến nay bấp bênh và xu hướng chủ yếu là giảm.
Cụ thể, từ tháng 1 – 8/2021, giá lợn hơi xuất chuồng giảm 30 – 35%, duy trì ở mức thấp 43.000 – 49.000 đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên 50.000 đồng/kg; tháng 12/2021 tăng lên 54.000 – 57.000 đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 2/2022.
Đến cuối tháng 2/2022, giá lợn hơi giảm xuống còn 53.000 – 56.000 đồng/kg; sang đầu tháng 3/2022 giảm xuống còn 50.000 – 53.000 đồng/kg.
Theo Cục Chăn nuôi, giá TĂCN tăng cao từ tháng 10/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt tăng mạnh từ đầu năm 2022 do hạn chế nguồn cung (căng thẳng Nga – Ukraine). Hiện Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu lên tới 65%.
So với cùng kỳ tháng 3/2021, giá nguyên liệu thức ăn tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg, khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg, DDGS (bã ngô) 10.300 đồng/kg, lúa mì 9.850 đồng/kg. Cục Chăn nuôi dự báo, giá nguyên liệu vẫn duy trì đà tăng đến hết năm 2022.
Do giá nguyên liệu TĂCN tăng mạnh, kéo theo giá thức ăn công nghiệp trong nước cũng tăng. So với cùng kỳ năm 2021, giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng tăng 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà lông màu tăng 13.400 đồng/kg, thức ăn cho gà lông trắng tăng14.100 đồng/kg.
Nhóm PV (Dân Việt)