Theo các chuyên gia trong ngành, cước vận tải biển có thể sẽ đi lên do tác động của tình trạng tắc nghẽn cảng biển.

Cảng Bremerhaven ở Đức. (Ảnh: Getty Images).

Tắc nghẽn cảng biển

Theo một báo cáo mới, tình trạng tắc nghẽn cảng biển đang trở nên tồi tệ hơn ở các cửa ngõ thương mại chính ở Bắc Âu và một số khu vực khác. Báo cáo cho rằng chiến tranh thương mại có thể khiến tình trạng gián đoạn hàng hải lan sang châu Á và Mỹ, kéo cước vận chuyển lên cao.

Cụ thể, theo báo cáo do công ty tư vấn hàng hải Drewry của Anh công bố mới đây, trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5, thời gian chờ đợi để có chỗ đậu tàu đã tăng 77% tại cảng Bremerhaven (Đức).

Trong cùng giai đoạn, mức độ chậm trễ tăng 37% tại Antwerp (Bỉ) và 49% tại Hamburg (Đức). Các cảng Rotterdam của Hà Lan và Felixstowe của Anh cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Vấn đề thiếu hụt lao động và mực nước thấp trên sông Rhine là những thủ phạm chính, cản trở lưu thông xà lan đến và đi từ các điểm nội địa.

Làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm thời giảm thuế quan 145% đối với hàng hoá Trung Quốc. Quyết định đó đã thúc đẩy nhu cầu vận tải giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Sự chậm trễ tại các cảng đang kéo dài thời gian vận chuyển, làm gián đoạn kế hoạch kiểm kê và buộc các hãng tàu phải chở thêm hàng”, Drewry nhấn mạnh trong bản báo cáo.

“Gây thêm áp lực là hoạt động thương mại xuyên Thái Bình Dương… có dấu hiệu sẽ vào mùa cao điểm sớm. Xu hướng này được thúc đẩy bởi lệnh tạm giảm thuế quan Mỹ – Trung, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 14/8”, Drewry nói thêm.

Tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại châu Âu. (Ảnh chụp màn hình từ Bloomberg).

Các xu hướng tương tự đang xuất hiện ở Thâm Quyến (Trung Quốc) cũng như Los Angeles và New York (Mỹ). Số lượng tàu container chờ cập cảng tại các địa điểm này đã tăng lên kể từ cuối tháng 4, báo cáo cho hay.

CEO Rolf Habben Jansen của hãng vận tải Hapag-Lloyd AG cho biết tại một hội thảo tuần trước rằng mặc dù ông đã thấy những dấu hiệu khởi sắc gần đây tại các cảng châu Âu, phải 6 đến 8 tuần nữa tình hình mới được kiểm soát.

Tuy nhiên, ông Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng của Apollo Management, chỉ ra trong một lưu ý vào cuối tuần rằng thoả thuận đình chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng tàu qua lại Thái Bình Dương.

“Điều này đặt ra câu hỏi: Thuế quan 30% đối với hàng hoá Trung Quốc vẫn còn quá cao? Hay các công ty Mỹ chỉ đang chở xem liệu thuế quan có giảm thêm nữa không trước khi tăng số chuyến hàng?”, ông Slok viết.

Tranh chấp thương mại Mỹ – EU

Chính sách thuế quan của Mỹ – cùng các mối đe doạ và thoả thuận đình chiến đột ngột – khiến các nhà nhập khẩu và xuất khẩu khó có thể điều chỉnh đơn đặt hàng, khiến nhu cầu tăng giảm bất thường.

Đối với các hãng vận tải biển, tình hình khó đoán thường dẫn đến sự chậm trễ và cước vận chuyển hàng hoá buộc phải tăng cao hơn, theo Bloomberg.

Đòn giáng mới nhất vào thương mại toàn cầu xuất hiện vào ngày 23/5, khi ông Trump đe doạ sẽ áp thuế 50% đối với Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/6. Động thái này có thể làm xáo trộn thương mại xuyên Đại Tây Dương.

“Sự bất ổn về mặt chính sách sẽ là chi phí chết đối với hoạt động thương mại toàn cầu. Chúng gây thêm rủi ro cho các kế hoạch chi tiêu [của doanh nghiệp]”, Oxford Economics nhận định trong một lưu ý mới.

Đức, Ireland, Italy, Bỉ và Hà Lan là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tỷ lệ xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ so với GDP cao.

Bloomberg Economics cảnh báo trong một lưu ý khác rằng mức thuế bổ sung 50% có thể khiến xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm hơn một nửa.

Sự khó đoán xoay quanh chính sách của ông Trump đang gây thêm áp lực lên ngành vận tải biển. Các hãng lớn như MSC Mediterranean Shipping đã công bố mức tăng giá chung và phụ phí mùa cao điểm, bắt đầu từ tháng 6, đối với hàng hoá xuất phát từ châu Á. Trong những tuần tới, có khả năng giá cước giao ngay sẽ đi lên.

Hiện tại, các tàu chở hàng vẫn tránh đi qua Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthis bắt đầu tấn công tàu thuyền từ cuối năm 2023. Các tàu đang phải đi vòng quanh miền nam châu Phi để vận chuyển hàng hoá trên các tuyến đường kết nối châu Á, châu Âu và Mỹ.

Khả Nhân (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)