Ngành chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam những năm qua có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò đã đóng góp một lượng thực phẩm không nhỏ cho nhu cầu tiêu dùng, đem lại giá trị kinh tế lớn, tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con nông dân.

Nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tổng đàn bò cả nước hiện khoảng 6,5 triệu con, tăng trưởng trung bình 3,34%/năm (giai đoạn 2015-2021), trong đó bò sữa đạt gần 340.000 con; sản lượng sữa tươi 1,15 triệu tấn, tăng 10%.

Đàn dê, cừu phát triển tốt, đạt 2,85 triệu con. Đàn trâu ổn định, đạt trên 2,3 triệu con. Đáng chú ý là đàn bò lai được phát triển tại nhiều địa phương với các tổ hợp lai 2 máu, 3 máu, 4 máu; việc áp dụng công nghệ cao trong phát triển tạo đàn giống ngày càng phổ biến.

Các cánh đồng trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ đã trở thành ý thức của người chăn nuôi; thức ăn TMR (thức ăn hoàn chỉnh) đã được sử dụng ở hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa…

Chăn nuôi gia súc lớn có bước “nhảy vọt”  - Ảnh 1.
Chị Lò Thị Thin (bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho đàn trâu, bò gia đình ăn thức ăn tươi. Ảnh: Văn Ngọc

Một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành chăn nuôi đó là đã thực hiện thành công chương trình “Sind hóa đàn bò” ở nhiều địa phương. Đơn cử như tại tỉnh Quảng Trị, trong tổng số đàn bò hơn 55.650 con của tỉnh, thì tỷ lệ bò lai Zebu chiếm trên 60% tổng đàn. Để đạt được kết quả trên, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. 

Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò, hàng năm, tỷ lệ phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt trên 100%. Năm 2021, chương trình cải tạo đàn bò đã phối thành công 10.200 con bò (trong đó hơn 5.900 con sử dụng tinh bò Zebu; 4.300 con sử dụng tinh bò chuyên thịt).

Nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò sử dụng tinh bò Zebu, tỷ lệ đàn bò lai tăng lên từng năm, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao. Bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 20 – 25kg, bê khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường, sinh trưởng phát triển nhanh, bê dễ nuôi, dễ ăn, lớn nhanh, nuôi đến 12 tháng tuổi đạt từ 230 – 250kg với giá bán khoảng 21 – 25 triệu đồng, cao hơn bò vàng địa phương từ 10 – 12 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần. 

Chăn nuôi gia súc lớn có bước “nhảy vọt”  - Ảnh 2.

Như vậy, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò, ước tính nguồn thu từ chương trình hơn 115 tỷ đồng.

Trong khi đó, Bình Định đang được đánh giá là nơi có đàn bò lai cao nhất cả nước, trong tổng đàn bò hơn 303.000 con (năm 2022) thì bò lai chiếm đến 89,5% (cả nước là hơn 60%). Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi Bình Định phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh này đạt 330.000 con, trong đó chiếm 30% là bò thịt chất lượng cao.

Để có được kết quả trên, từ 7 năm trước ngành chăn nuôi Bình Định đã chú trọng công tác lai tạo đàn bò từ Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, tỉnh đã hoạch định từng hướng đi rõ ràng trong công tác lai tạo, tập trung lai tạo giống bò thịt chất lượng cao như giống Zebu, Droughtmaster. Sử dụng tinh đông lạnh ngoại nhập các giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, Blanc Bleu Belg (BBB) phối giống nhân tạo với bò cái lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% để tạo ra bê lai hướng thịt chất lượng cao.

Chăn nuôi gia súc theo hướng chuyên nghiệp

Theo ông Trần Văn Hạnh – Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, năm đầu thực hiện Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015-2020” chỉ có 20.000 con bò được phối các giống chất lượng cao như BBB và Red Angus. Bê lai sinh ra đạt trọng lượng khoảng 30kg, khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Bê lai bán cao giá, nên những năm sau đó số bò được phối các giống BBB và Red Angus tăng lên gấp 3 lần.

Trên quy mô cả nước, từ năm 2020, Bộ NNPTNT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2030”. Đây chính là bước đi chiến lược cho ngành chăn nuôi đại gia súc nói chung theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. 

Theo đó, cho phép các địa phương chuyển phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp, sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, tổng diện tích đất các loại cho nhu cầu này từ 0,5 – 1,0 triệu ha.

Chính phủ cũng khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tạo điều kiện cho người chăn nuôi tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã…

Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam có nhiều giống trâu, bò bản địa chất lượng thịt rất tốt. Cụ thể, nước ta có 1 giống trâu đầm lầy (Swamp buffalo) và 3 loài bò gồm bò vàng, bò Mông và bò U đầu rìu. Trong đó, giống bò Mông là giống rất quý, đã được Cục Chăn nuôi lên kế hoạch bảo tồn và phát triển ở một số tỉnh.

Thiên Ngân (Dân Việt)