Các doanh nghiệp sản xuất TACN đều đang đau đầu tìm lối ra giữa tâm “bão giá” nguyên liệu và phí vận tải do giá xăng dầu tăng liên tục lập đỉnh mới…đẩy doanh nghiệp vào thế bí khi khó lòng tăng giá bán thành phẩm tương ứng với tốc độ tăng của giá nguyên liệu vì để giữ chân khách hàng. Đứng trước tình hình này, doanh nghiệp mong muốn tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Đã giảm nhưng chưa “thấm”

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.

Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế tăng kỷ lục là do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraine đã gây khó khăn, thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.

Đối mặt với cơn bão giá chưa từng có trong lịch sử giá nguyên liệu sản xuất TACN, kể từ ngày 30/12/2021, Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%. Nhưng theo nhận định của nhiều doanh nghiệp sản xuất TACN, mức giảm này chỉ có thể đỡ cho doanh nghiệp phần nào.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, việc giảm thuế này chỉ giúp chi phí sản xuất TACN giảm 0,5 – 1%. 

Theo nhận định của Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát, ngành chăn nuôi đang rất khó khăn khi giá TACN liên tục tăng, đẩy giá thành lên cao nhưng giá bán lại liên tục giảm.

Doanh nghiệp tiếp tục “cầu cứu”

Cục chăn nuôi dự kiến giá nguyên liệu sẽ vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022. Giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 ghi nhận: ngô khoảng 11.000 đ/kg, khô dầu đậu tương trên 17.000 đ/kg. Trong khi đó, năng lực sản xuất nguyên liệu TACN trong nước còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Việt Nam phụ thuộc 90% nguyên liệu của thế giới nên giá cả sẽ biến động theo xu hướng chung. Các doanh nghiệp vẫn đang tích trữ và giá TACN hỗn hợp có thể sẽ tiếp tục tăng.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị tiếp tục giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TACN.

Theo ông Khánh, Hòa Phát đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu TACN và chi phí chế phẩm an toàn sinh học hiện nay tăng cao.

“Mặc dù thuế cũng hạ rồi nhưng trong bối cảnh giá nhập khẩu cao như vậy, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục xem xét đề xuất giảm thuế nhập khẩu ở mức tốt hơn”, ông Khánh đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết bản thân các doanh nghiệp sản xuất TACN đang rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất TACN trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương. De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu TACN… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá TACN thành phẩm”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho biết, De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm TACN trong vòng 2 – 3 năm tới. Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 – 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất TACN của công ty.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp căn cơ và mang tính lâu dài vẫn là cần chủ động được nguồn TACN trong nước.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An đề nghị cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất TACN và cho nuôi ruồi lính đen để thay thế đạm cá.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước, giảm thiểu chi phó trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu TACN, Cục Chăn nuôi đề nghị các nhóm giải pháp: Chuyển đổi diện tích đất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cây nguyên liệu TACN; phát triển sản xuất protein từ côn trùng để thay thế một phần nguyên liệu đạm nhập khẩu; quy hoạch cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm TACN; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…) và các loại thảo dược; ứng dụng công nghệ, xây dựng công thức khẩu phần TACN có nguyên liệu trong nước để giảm giá thành sản phẩm TACN. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bốc dỡ và vận chuyển, hệ thống kho cảng và logictics để giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu TACN.

Cục Chăn nuôi cũng đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu giá nguyên liệu sản xuất TACN vẫn ở mức cao.

Phạm Huệ (Chăn nuôi Việt Nam)