Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu tăng gần 8 triệu tấn so với báo cáo tháng trước lên mức kỷ lục 779,6 triệu tấn và cao hơn so với niên vụ 2021/22.

USDA dự báo sản lượng lúa mì của Nga là 88 triệu tấn trong niên vụ 2022/23 do sản lượng được cải thiện và diện tích thu hoạch cao hơn. Với vụ mùa lớn hơn và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà nhập khẩu, Nga đã sẵn sàng xuất khẩu kỷ lục 42 triệu tấn trong năm nay.

Sản lượng lúa mì của Canada dự kiến sẽ phục hồi kể từ vụ mùa bị ảnh hưởng bởi hạn hán vụ 2021/22. Sản lượng lúa mì vụ 2022/23 dự báo tăng 62% lên 35 triệu tấn. Giá xuất khẩu của Canada đã tương đối thấp so với Mỹ và Australia trước khi thu hoạch vụ lúa mì mùa xuân. Điều này sẽ cho phép Canada chiếm lại thị phần tại các nƣớc xuất khẩu quan trọng của mình ở Tây Bán cầu và châu Á, với xuất khẩu dự báo sẽ phục hồi 74% lên 26 triệu tấn.

Sản lượng lúa mì của Mỹ cũng được dự báo sẽ tăng trong vụ 2022/23 lên 48,5 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm. Vụ lúa mì mùa xuân được dự báo sẽ phục hồi sau đợt hạn hán năm ngoái; tuy nhiên, điều kiện khô hạn trong vành đai lúa mì mùa đông đã hạn chế tăng trưởng sản lượng hàng năm nói chung. Xuất khẩu lúa mì của Mỹ dự báo tăng 6% lên 23 triệu tấn do cạnh tranh gia tăng từ Canada.

 Các nhà xuất khẩu lớn khác như EU, Australia, Achentina và Ucraina sẽ thu hoạch các vụ lúa mì nhỏ hơn trong niên vụ 2022/23.

Theo báo cáo của USDA, tiêu thụ lúa mì toàn cầu vụ 2022/23 tăng chủ yếu do nhu cầu đối với lúa mì làm thức ăn chăn nuôi và các mục đích khác cao hơn ở Úc và Nga.

Bộ Nông nghiệp Ấn Độ giảm dự báo sản lượng lúa mì vụ 2022/23, giảm 5 triệu tấn xuống 106,4 triệu tấn, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Mặc dù giá trong nước đã giảm sau khi xuất khẩu bị cấm vào ngày 13/5/2022, nhưng giá đã tăng mạnh trong tháng qua do nông dân bán gần hết các kho dự trữ của họ. Tuy nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu có thể không làm tăng nguồn cung tại thị trường nội địa. Ấn Độ hiện đánh thuế 40% đối với lúa mì nhập khẩu. Chi phí và giá cước vận chuyển nhập khẩu lúa mì chất lượng từ nhà máy vào khoảng 30.000 Rupee/tấn, cao hơn so với giá lúa mì trong nước.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang xem xét việc áp đặt các giới hạn dự trữ để ngăn cản việc tích trữ, buộc giảm bớt lượng dự trữ và tăng thêm nguồn cung. Chính phủ cũng đang xem xét thanh lý các kho dự trữ thường được dành cho một số chương trình phúc lợi xã hội trong khi vẫn duy trì các yêu cầu.

Sản lượng lúa mì của Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cung cấp chủ yếu cho Trung Đông và châu Phi được Sovecon nâng dự báo lên 94,7 triệu tấn từ 90,9 triệu tấn trước đó do sản lượng kỷ lục ở nhiều khu vực và triển vọng tích cực cho lúa mì vụ xuân.

Ước tính sản lượng lúa mì cao hơn tại các nước sản xuất lớn cho thấy nguồn cung lúa mì toàn cầu sẽ bớt căng thẳng, hạn chế tác động tới thị trường lúa mì toàn cầu. Do đó, giá lúa mì trên thế giới nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

(www.nhachannuoi.vn)