Xung đột Nga – Ukraine được các doanh nghiệp đánh giá chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến thị trường xuất khẩu cá tra của các tỉnh miền Tây.

Ngày 9/3, giá cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng 1.000-2.000 đồng/kg. Tùy theo mục tiêu sản xuất và thị trường xuất khẩu mà các doanh nghiệp mua cá tra tại ao của nông dân với giá 32.000-34.000 đồng/kg. Nếu người nuôi chở cá đến nhà máy, doanh nghiệp cộng thêm chi phí vận chuyển khoảng 500 đồng/kg.

Không chỉ cá tra nguyên liệu tăng, giá cá giống cũng tăng mạnh. Tùy theo kích cỡ cá giống, giá dao động 40.000-50.000 đồng/kg.

Việt Nam xuất khẩu nhiều cá tra sang Mỹ

Trao đổi với Zing, một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp cho biết nhiều năm qua đơn vị ngưng xuất khẩu sang Nga thì thị trường không lớn. Việc thanh toán với đối tác nước này được cho là không an toàn nên không ít doanh nghiệp Việt Nam buông bỏ thị trường này.

Trong khi đó, số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy năm 2021, Nga là thị trường tiềm năng của xuất khẩu cá tra với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với năm 2020.

Những tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 5 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Nga. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 1 chỉ đạt 2,18 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2021.

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Nam Việt cho rằng căng thẳng Nga – Ukraine ảnh hưởng một phần nhỏ đến thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Giá dầu tăng tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển cá.

“Thị trường Nga và Ukraine chiếm 5% nên không thể nói không ảnh hưởng đến cá tra Việt Nam. Hiện, Trung Quốc chưa nhập khẩu cá tra nhiều vì họ cho rằng ảnh hưởng Covid-19. Giá cá tra nguyên liện đang tốt là do thị trường xuất khẩu sang Mỹ đặc biệt tốt, kế đến là châu Âu và Trung Đông. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2021 nhiều người treo ao nên có thể cuối năm nay cá tra nguyên liệu mới nhiều trở lại”, lãnh đạo doanh nghiệp chế biến cá tra chia sẻ.

Nói với Zing, Tổng thư ký Vasep Trương Đình Hòe cho rằng Nga là thị trường nhỏ của cá tra nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD của loài thủy sản này trong năm 2021.

Thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam tập trung vẫn là Mỹ và Trung Quốc. Năm 2022, Vasep tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra hơn 2 tỷ USD.

Giá tôm thương phẩm tiếp tục giảm

Chiều 9/3, một số doanh nghiệp thu mua thủy – hải sản ở Đồng bằng sông Cửu Long mua tôm thẻ với giá giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với 3 trước. Giá tôm loại 25 con/kg giá từ 220.000 đồng giảm xuống 215.000 đồng, 25 con/kg giá 180.000 đồng (giảm 8.000 đồng/kg).

Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết doanh nghiệp mua tôm 30 con/kg giá 162.000 đồng, giảm 6.000 đồng; 40 con/kg giá 144.000 đồng, giảm 8.000 đồng/kg.

“Tôm kích cỡ nhỏ cũng giảm nhẹ. Loại 90 con/kg giá 102.000 đồng, giảm 3.000 đồng; 100 con 97.000 đồng, giảm 3.000 đồng”, ông Giang nói.

Ông Võ Văn Phục, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết căng thẳng Nga – Ukraine không ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu tôm của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp chế biến tôm ở Bạc Liêu, Cà Mau cũng khẳng định không ảnh hưởng bởi căng thẳng Nga – Ukraine.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tuần qua diện tích tôm thả nuôi mới ở tỉnh này chỉ 848 ha, nâng lũy kế lên 4.027,4 ha, đạt 7,9% so với kế hoạch.

Sau vài tuần cải tạo ao và phơi đất, nông dân nuôi tôm quảng canh tại Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang cũng bắt đầu thả giống tôm sú và thẻ. Giá tôm sú giống tại các doanh nghiệp ở miền Tây trung bình khoảng 95 đồng/con; tôm thẻ 145 đồng/con.

Việt Tường (ZingNews)