Thời điểm này mọi năm, thông thường người chăn nuôi sẽ tính đến việc tái đàn để chuẩn bị tiêu thụ dịp Tết, nhưng năm nay, nông dân e ngại vì giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp.
Sau khi Chính phủ, Bộ NN&PTNT chỉ đạo kiểm soát chặt vận chuyển lợn nhập lậu qua biên giới, người chăn nuôi kỳ vọng giá lợn hơi sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá lợn hơi hiện đã giảm khoảng 7.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước.
Ghi nhận trên thị trường ngày 22/8, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm nhẹ tại một vài địa phương, dao động trong khoảng 59.000 – 61.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng không có nhiều biến động, dao động trong khoảng 57.000 – 60.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch thấp nhất khu vực ở Đắk Lắk và Bình Định là 57.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực miền Nam cũng giảm nhẹ, dao động trong khoảng 57.000 – 59.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm, theo ông Nguyễn Quang Sáng – chủ trang trại nuôi lợn ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, những ngày gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại lo sợ dịch nên xuất hiện tình trạng “bán tháo”, khiến giá lợn hơi liên tục đi xuống.
Thêm vào đó, hiện đang là khoảng tháng 7 âm lịch, tức là mùa ăn chay. Theo quy luật của thị trường, đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Cùng với đó, tiêu thụ của các trường học đang ở mức thấp do vẫn trong giai đoạn nghỉ hè.
“So với tháng 7, giá lợn hơi hiện đã giảm khoảng 7.000-10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giao dịch vẫn ảm đạm, các thương lái đi mua cũng hạn chế hơn trước”, ông Sáng nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam – cho biết, hiện giá lợn hơi ở Trung Quốc chỉ khoảng 45.000 – 47.000 đồng/kg. Còn ở Thái Lan và Campuchia, giá lợn hơi cũng thấp hơn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, dù Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo siết chặt lợn lậu, tình trạng vận chuyển lợn lậu vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.
“Nguồn cung trong nước vẫn dồi dào khi tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2,5%; sản lượng thịt lợn hơi ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt lợn nhập lậu, tránh ảnh hưởng đến thị trường trong nước dẫn tới giá tiếp tục giảm”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá lợn hơi đã giảm nhanh. Đa phần các hộ chăn nuôi đều có chung suy nghĩ, giá lợn hơi bấp bênh nên không chủ động tái đàn vì chăn nuôi không có lời. Phần khác vì lo ngại ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, các công ty chăn nuôi lớn như Masan, Dabaco, C.P cũng giảm đàn.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 6 lần và chưa giảm một lần nào. Các hộ chăn nuôi lo ngại giá thức ăn chăn nuôi cao đã “ăn” hết cả vào lợi nhuận của người nuôi lợn. Nhiều gia đình đã ngừng việc chăn nuôi vài tháng nay, chưa biết khi nào mới tái đàn vì lãi ít hoặc bị lỗ.
Về nhận định người chăn nuôi và doanh nghiệp tái đàn thấp, giá thịt lợn cuối năm có tăng hay không, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, đàn lợn nông hộ giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn sẽ gia tăng sản lượng để bù đắp, nên giá thịt lợn có tăng nhưng sẽ không nhiều.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, người dân cũng không cần lo lắng về việc thiếu thịt lợn phục vụ cho dịp Tết.
“Hiện, tổng đàn lợn của cả nước là 27,8 triệu con. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thị lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết”, ông Thắng nói.
Tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, ngày 24/7, Bộ NN&PTNT đã chính thức cho sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc. Các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn cũng đang ráo riết thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Tại Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc, Can Lộc), những ngày qua, đơn vị đã “kích hoạt” đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, tất cả phương tiện ra, vào các trang trại được kiểm soát chặt chẽ, khử trùng nghiêm ngặt. Cơ sở còn sử dụng phương tiện trung chuyển tại từng khu vực, tăng cường chi phí phòng dịch lên gấp 3 lần so với giai đoạn trước, bố trí 100% công nhân ở lại ngay tại trang trại nhằm hạn chế dịch bệnh “tấn công”. Ông Lê Văn Bình – Giám đốc HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: “Trang trại đang duy trì ổn định 4 chuồng nuôi quy mô 2.400 con lợn thịt/lứa. Ngoài tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, bổ sung nguồn thức ăn gia tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cơ sở cũng tăng cường chi phí phòng chống dịch như: hoá chất khử trùng, vôi bột… Theo đó, 2 ngày/lần, trang trại tiến hành rắc vôi bột và phun hoá chất khử trùng xung quanh khu vực nuôi, đường dẫn (trong khi trước đây là 1 tuần/lần). Cùng đó, cách ly người lao động với khu vực bên ngoài, kiểm soát phương tiện ra vào trại chặt chẽ để tránh dịch bệnh có nguy cơ thâm nhập”. |
Kim Yên (vnBusiness)