Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2022 khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá lợn hơi, thịt gia cầm lại giảm mạnh.
Chưa thấy tín hiệu tích cực để ngành chăn nuôi có thể hồi phục
Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản, bò,… khiến giá lợn hơi giảm mạnh.
Cụ thể là năm 2022, Việt Nam đã chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, tăng 9,1% so với năm 2021. “Nhìn từ sức tiêu thụ thực tế, giá thịt lợn có thể giảm tiếp và neo ở mức thấp trong 2-3 tháng tới, sau đó sẽ tăng dần với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi” – ông Dương nhận định.
Để ngành chăn nuôi lợn phục hồi được, ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm. Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi nội địa…
Ông Nguyễn Văn Trọng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: “Trong giai đoạn gần đây, giá lợn hơi xuống rất sâu, chăn nuôi lỗ nhiều. Với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi thì đỡ lỗ hơn vì giá thành là 50.000 – 52.000 đồng/kg lợn hơi, còn nông hộ giá thành khoảng 54.000 – 60.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ 45.000 – 48.000 đồng/kg”.
Cũng theo ông Trọng, hiện đàn lợn cả nước đang duy trì trên 28 triệu con, đàn nái duy trì 2,9 triệu con. Tết Nguyên đán vừa qua, đáng lẽ nhu cầu tiêu thụ phải tăng nhưng thực tế lại không tăng. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến thu nhập người dân bị giảm, sức mua giảm. Như Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam mỗi ngày bán ra 15.000 – 17.000 con, nhưng vẫn bị tồn.
Trên thực tế theo ông Trọng, lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam thời gian gần đây có xu hướng giảm và lượng thịt nhập khẩu này chủ yếu dùng chế biến, không phải là yếu tố chính tác động đến thị trường thịt lợn trong nước. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam chi khoảng 1,5 tỉ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật, tăng 9,1% so với năm 2021.
Tuy nhiên, hai tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu nhóm hàng này ước đạt 136 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục chăn nuôi chỉ rõ: Giá lợn hơi thời gian qua xuống thấp không phải do lượng cung thừa mà nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế, người dân tiết giảm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh, việc này đã tác động tiêu cực tới tình hình giá lợn.
Với giá lợn hơi từ 47.000 – 49.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi nhỏ lẻ chắc chắn thua lỗ, còn các trang trại khép kín thì có lãi nhưng không đáng kể. Nhưng do đây là ngành kinh tế nên phải chấp nhận việc phụ thuộc vào giá cả, vào quy luật thị trường.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tổng đàn lợn cả nước hiện khoảng 28,6 triệu con. Ước cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, tăng từ 5-5,5% so với năm 2022.
Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, mức tiêu dùng thịt lợn trung bình của mỗi người dân Việt Nam đang có xu hướng giảm dần qua từng năm. Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4 kg thịt lợn, đến năm 2022 mức tiêu thụ giảm còn 23,5 kg.
Nhưng trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng trưởng nổi bật nhất, tăng 8,5%/năm. Năm 2020, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ bình quân gần 17 kg thịt gia cầm và ước khoảng 20kg vào năm 2022.
Thiên Hương (Dân Việt)