Giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố đang ở mức thấp dưới giá thành, dao động trong khoảng 48.000- 50.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi cả nước đang thua lỗ nặng.
Giá lợn hơi rơi xuống đáy mới, người chăn nuôi nhìn tiền tỷ “bốc hơi”
Theo khảo sát của PV Dân Việt, giá heo hơi hôm nay ở hầu hết các tỉnh, thành phố đang ở mức thấp dưới giá thành, dao động trong khoảng 48.000-50.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc đã rơi khỏi mốc 50.000 đồng/kg, hiện thương lái chỉ mua với giá từ 47.000 – 48.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền TrungTây Nguyên và miền Nam, giá heo hơi dao động trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Với mức giá này, người chăn nuôi cả nước đang thua lỗ nặng.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Công Bắc – người đang sở hữu 3 trang trại lợn quy mô hơn 7ha tại TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) than thở: Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn nhưng chưa khi nào tôi thấy người chăn nuôi khổ sở bí bách như hiện giờ. Giá lợn hơi ngày càng giảm sâu, mỗi con lợn bán ra lỗ tiền triệu, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức “đỉnh” suốt 2 năm nay.
Với tổng đàn lợn nái 1.400 con, đàn lợn thịt hơn 10.000 con, ông Bắc cho biết mỗi tháng trang trại xuất bán ra thị trường 2.000 – 2.500 con lợn thịt thương phẩm. Nhưng với giá lợn hơi hiện nay, mỗi tháng ông lỗ từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, trang trại lớn như ông Bắc cũng khó mà cầm cự nổi.
Ông Bắc tâm sự: Giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020, đến tháng 8/2022 đà tăng mới chấm dứt; song từ đó đến nay, giá vẫn neo ở mức đỉnh lịch sử, chưa một lần điều chỉnh giảm. Còn giá lợn hơi thì nay rơi xuống đáy mới.
“Chuồng trại đã đầu tư, nợ vay ngân hàng vẫn phải gánh lãi. Giờ giảm đàn nái thì sau này gây nuôi lại rất tốn kém, nên giá bán thấp tôi vẫn phải duy trì đàn lợn nuôi trong trại”, ông chia sẻ.
Theo lời ông chủ trang trại quy mô lớn nhất nhì Sơn La này, từ năm 2017 đến nay, người nuôi lợn vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng. Hết thừa cung đến dịch bệnh, nay là khủng hoảng cả giá đầu vào lẫn đầu ra. Trong suốt 5 năm, duy nhất năm 2020 lợn được giá, nhưng phần lớn thời điểm ấy các chuồng trại tại Sơn La đều trống không vì dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
“Năm 2021, đợt giá lợn hơi chạm đáy, chúng tôi thua lỗ gần chục tỷ đồng. Giờ thấy tiền tỷ “bốc hơi”, không biết bao giờ mới vực dậy được” – ông Bắc nói.
Mấy năm trước, gia đình ông Đinh Văn Mừng, xã Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại hiện đại, nuôi hơn 300 con lợn. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá lợn hơi lên xuống thất thường, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã nên gia đình ông Mừng vẫn chưa thu hồi được vốn chứ chưa nói đến có lãi.
“Vốn nặng, chi phí chăn nuôi tăng 10-15% so với cùng kỳ 2021 nhưng giá heo hơi đến kỳ xuất chuồng thấp hơn cả giá thành, khiến người chăn nuôi thua lỗ” – ông Mừng buồn rầu nói.
Trong khi các chủ trang trại, nông dân đau đầu với câu hỏi giảm đàn hay gắng gượng chăn nuôi để tìm cơ hội vớt vát thì các “đại gia” chăn nuôi lớn cũng liên tục báo lỗ. Tập đoàn Dabaco – công ty chăn nuôi lớn nhất miền Bắc cho biết, quý IV/2022 lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng, trong khi cùng kì năm 2022 lãi gần 112 tỷ đồng.
Nguyên nhân là ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá heo hơi giảm trong thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng yếu khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh.
Khó khăn cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của C.P Việt Nam – doanh nghiệp chăn nuôi heo có thị phần lớn nhất cả nước. Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc C.P Việt Nam cho biết, heo hơi đạt chất lượng có giá bán tại trại từ 48.000 – 50.000 đồng/kg (chưa tính chi phí vận chuyển), do đó công ty đang lỗ. Nguyên nhân giá heo sụt giảm là do cầu tiêu dùng xuống thấp.
Giá lợn hơi năm 2023 chưa thấy khởi sắc
Theo dự báo, chăn nuôi lợn trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do sức mua yếu, trong khi tổng đàn lợn cả nước đã tăng lên hơn 31,5 triệu con. Trong vài năm gần đây, thị trường thịt heo đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư chăn nuôi, khiến tổng đàn heo tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: Nguồn cung heo lớn hơn cầu là nguyên nhân khiến giá heo hơi tiếp tục có đợt giảm mới sau Tết Nguyên đán 2023. Người chăn nuôi đang phải chịu lỗ và còn tiếp tục khó khăn trong năm 2023 vì giá sản phẩm bán ra ngày càng giảm, trong khi chi phí cho chăn nuôi lại không giảm.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai có 1.321 trang trại với tổng quy mô gần 2,7 ngàn ha; giảm 280 trang trại so với năm 2021. Số trang trại giảm chủ yếu là trang trại chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi chưa bao giờ gặp khó khăn như năm 2022 khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, giá thịt lợn, thịt gia cầm lại giảm mạnh. Sang năm 2023, chưa thấy tín hiệu tích cực nào để ngành chăn nuôi có thể hồi phục.
Ông Dương cho rằng, nguồn cung thực phẩm nội địa và nhập khẩu đều tăng, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản, bò,… khiến giá lợn hơi giảm mạnh. Cụ thể là năm 2022, Việt Nam đã chi khoảng 1,5 tỷ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, tăng 9,1% so với năm 2021.
“Nhìn từ sức tiêu thụ thực tế, giá thịt lợn có thể giảm tiếp và neo ở mức thấp trong 2-3 tháng tới, sau đó sẽ tăng dần với điều kiện sức mua cải thiện khi kinh tế phục hồi”, ông Dương nhận định.
Để ngành chăn nuôi lợn phục hồi được, ông Dương kiến nghị cơ quan chức năng quản lý chặt hoạt động nhập khẩu thịt và phụ phẩm. Có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm; tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi nội địa…
Thiên Hương (Dân Việt)