Giá lúa mì giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm do vụ mùa bội thu ở Nga, nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine và mức độ đặt cược cao của các quỹ phòng hộ nguy cơ gây ra đợt tăng đột biến mới.
Theo Financial Times, giá lúa mì đã giảm hơn 20% kể từ cuối tháng 7, ngay cả khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu từ Ukraine, một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Các thương nhân đã đặt cược rằng nguồn cung dư thừa từ Nga trong năm nay sẽ giúp giữ giá ở mức thấp vào thời điểm lạm phát đang đẩy các mặt hàng nông sản khác như cacao và cà phê lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Ông Michael Magdovitz, nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại Rabobank cho biết: “Chúng tôi nhận thấy giá lúa mì giảm đáng kể về cơ bản là do Nga”.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng giá có thể tăng nhanh nếu căng thẳng lan ra khắp khu vực Biển Đen. Các cảng Biển Đen của Nga xử lý khoảng 70% lượng lúa mì xuất khẩu của nước này, khiến nơi đây trở thành huyết mạch quan trọng trong việc cung cấp ngũ cốc toàn cầu.
Bản chất mong manh của thị trường đã được thể hiện rõ vào thứ Tư khi giá kỳ hạn tăng hơn 2% lên 5,91 USD/giạ sau khi một tàu chở hàng đi Ukraine đâm phải một mỏ ở Biển Đen, nhưng sau đó giảm trở lại.
Giá lúa mì toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ khi đạt đỉnh hơn 13 USD/giạ sau khi xung đột Nga và Ukraine nổ ra vào năm ngoái. Chi phí tăng vọt khi Moscow phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine, cắt đứt đường vận chuyển của một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, đe dọa một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.
Một thỏa thuận năm ngoái cho phép khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc được vận chuyển ra khỏi Ukraine, giúp hạ giá trở lại và tin tức về vụ mùa bội thu ở Nga trong mùa này đã khiến giá càng giảm. Thoả thuận này do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.
Các nhà giao dịch đang đặt cược rằng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra. Theo số liệu mới nhất từ CME, sàn giao dịch hàng hoá lớn nhất thế giới, các vị thế bán khống trên thị trường lúa mì (đặt cược vào giá giảm) đã tăng lên mức cao nhất trong ba tháng.
Các nhà đầu tư ban đầu lo ngại quyết định rút khỏi thỏa thuận của Điện Kremlin vào tháng 7 sẽ khiến giá cả tăng vọt trở lại và đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, xuất khẩu lúa mì của Nga đã bất ngờ giúp lấp đầy khoảng trống do sự thiếu hụt từ Ukraine để lại.
Ukraine, chiếm 9,2% xuất khẩu lúa mì toàn cầu trong niên vụ 2021-2022, niên vụ cuối cùng trước cuộc khi cuộc xung đột xảy ra. S&P ước tính tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 6,4% trong mùa thu hoạch 2023-2024.
Ngược lại, Nga, vốn là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dự kiến chiếm thị phần xuất khẩu 22,5% trên toàn cầu trong niên vụ 2023-2024, từ mức 15,9% trong năm 2021-2022. Magdovitz nói: “Sự mất mát của Ukraine chính là cái được của Nga”.
Nga đã xuất khẩu 46 triệu tấn lúa mì vào năm 2022 và dự báo sẽ xuất khẩu 47 triệu tấn trong năm nay, theo ước tính từ S&P Global Commodity Insights. Ông Paul Hughes, nhà kinh tế nông nghiệp tại S&P Global, cho biết: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ xuất khẩu 50 triệu tấn”.
Thặng dư của Nga cũng bù đắp lo ngại về sản lượng giảm ở các nước sản xuất lúa mì lớn khác. Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ giảm dự báo sản lượng lúa mì tai Argentina, Australia và Canada trong niên vụ 2023-2024.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng giá lúa mì trong các hợp đồng tương lai đang thấp hơn giá trị cơ bản của nó. Điều đó làm tăng nguy cơ gián đoạn bất ngờ đối với nguồn cung toàn cầu có thể dẫn đến giá tăng vọt, do các nhà giao dịch buộc phải mua hợp đồng tương lai để bù đắp những khoản lỗ có thể xảy ra.
Ông Magdovitz cho biết: “Nếu bạn là một nhà đầu cơ, bạn có thể phải cẩn thận, nếu Nga đột nhiên không thể cung cấp lúa mì ra thị trường, giá sẽ tăng đột biến”.
Ông Andrey Sizov, giám đốc điều hành của công ty tư vấn ngũ cốc SovEcon ở Biển Đen, cảnh báo rằng Moscow có thể cố gắng áp đặt mức giá sàn bằng cách hạn chế xuất khẩu. Ông cho biết điều đó cũng sẽ giảm bớt gánh nặng cho cơ sở hạ tầng xuất khẩu vốn đang quá tải
Ông Sizov cho biết thêm, việc kết thúc thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen làm tăng nguy cơ xảy ra căng thẳng làm dịch chuyển thị trường từ cả hai phía.
Chuyến đi thành công của một tàu chở hàng, Resilient Africa, từ cảng Biển Đen của Ukraine hôm thứ Ba báo hiệu rằng Ukraine có thể mở lại tuyến xuất khẩu đường biển của họ từ Odesa và thiết lập một thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen mà không cần đến Nga.
Theo Sizov, động thái này gần như chắc chắn sẽ gây ra phản ứng từ Moscow: “Tôi nghĩ sau đó chúng ta sẽ thấy sự đảo chiều,” ông nói.
Giá lúa mì ở Chicago đã nhanh chóng tăng lên mức 7,77 USD vào tháng 7 khi Moscow cho biết tất cả tàu hoạt động ở Biển Đen có thể trở thành mục tiêu và cuối tháng đó đã tăng 12% khi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào các cảng ngũ cốc của Ukraine .
Hughes cho biết, cho đến nay, Ukraine đã thể hiện “sự kiềm chế tuyệt vời” trong việc không đáp trả nhưng nếu điều đó xảy ra “giá sẽ tăng cao hơn nhiều”.
H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)