Giá lúa mì tăng đột biến – Ảnh: Bloomberg
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà làm bánh Mỹ (ABC) Robb MacKie cảnh báo người tiêu dùng sẽ bắt đầu thấy giá cả tăng ở bất cứ mặt hàng gì dùng đến ngũ cốc (lúa mì, ngô, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen) vì các thị trường ngũ cốc liên kết với nhau. Điều này đồng nghĩa giá bánh mì, bia, ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi tăng cao.
“Trong tình cảnh toàn bộ chuỗi cung ứng rất căng thẳng, nếu xung đột kéo dài hơn một vài tuần thì bạn sẽ bắt đầu thấy tác động đến giá thực phẩm”, theo ông MacKie.
Tại Mỹ ngày 25.2, giá một số mặt hàng thực phẩm chính đã đạt mức cao nhất. Giá lúa mì trong hợp đồng giao tháng 3 tại Sở Giao dịch Chicago (tiêu chuẩn giao dịch toàn cầu) đạt mức cao nhất từ năm 2012 đến nay. Giá ngô cùng đậu tương cũng tăng.
Có nhiều yếu tố đẩy giá lên cao. Xung đột gây trở ngại cho hoạt động vận chuyển ở Biển Đen nơi phần lớn xuất khẩu lúa mì ở khu vực đi qua. Các cuộc tấn công cũng khiến nông dân Ukraine không thể trồng trọt và thu hoạch trong năm nay.
Nhà kinh tế nông nghiệp Michael Swanson thuộc công ty dịch vụ tài chính Wells Fargo bày tỏ lo ngại với viễn cảnh nhiều loạt hoa màu không được trồng tại Urkaine lẫn vùng lân cận, hoa màu ở Nga được trồng nhưng bị nhiều thị trường cấm vận. Ông lưu ý đây sẽ là vấn đề không thể giải quyết chỉ trong vài tuần hay vài tháng.
Ukraine là nước xuất khẩu ngô và lúa mì lớn thứ tư thế giới, xuất khẩu dầu hạt hướng dương lớn nhất thế giới. Hai nước Nga và Ukraine cung cấp 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu và 75% lượng dầu hạt hướng dương xuất khẩu toàn cầu, nhà phân tích Kelly Goughary thuộc nền tảng dữ liệu Kelly Goughary cho biết.
Trong bối cảnh thiếu hụt dầu thực vật trên toàn cầu, giá dầu hướng dương ở Biển Đen trong năm nay đã tăng 11%. Ông Goughary cảnh báo việc mất nguồn cung dầu hướng dương từ Nga và Ukraine sẽ làm giá dầu đậu nành, dầu cọ và các loại dầu thực vật khác tăng lên.
Tại Malaysia, cố vấn Liên đoàn Hiệp hội Nông dân Malaysia (FLFAM) Datuk Jeffrey Ng dự báo giá gà tăng thêm vào tháng tới vì nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất thức ăn cho gà là ngô, đậu tương và dầu cọ đều tăng giá kể từ lúc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào ngày 24.2. Hiện chưa thể xác định mức độ tăng – điều phụ thuộc vào thời gian xung đột kéo dài.
Ông Ng kêu gọi chính phủ Malaysia hỗ trợ nông dân để tránh nguy cơ xảy ra khủng hoảng thiếu nguồn cung thịt gà, khi nhiều người chăn nuôi phá sản hoặc chuyển làm công việc kinh doanh khác vì không còn khả năng chịu lỗ.
Nga là nước có vai trò quan trọng trong lĩnh vực khí đốt – nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất phân bón. Nước này cũng nằm trong nhóm nước xuất khẩu ba nhóm phân bón chính (nitơ, phốt pho và kali). Nguồn cung giảm có thể đẩy giá phân bón lên cao.
Do năng lượng và nông sản có mối quan hệ với nhau, xung đột Nga – Ukraine sẽ tác động đến nông nghiệp và nguồn cung lương thực toàn cầu, đồng thời góp phần vào quyết định của nông dân về việc trồng gì và trồng bao nhiêu. Loạt chi phí cao sau đó tiếp tục chuyển người trồng trọt, chăn nuôi sang các đơn vị bán lẻ, nhà hàng, người tiêu dùng.
Mối quan ngại lớn nhất chính là xung đột Nga – Ukraine kéo dài làm thay đổi dòng chảy thương mại, nhưng không tìm ra phương án thay thế Nga và Ukraine.
Cẩm Bình (Nguồn: Báo Một thế giới)