Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), 2 tháng qua, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới liên tục tăng cao khiến giá trong nước tăng theo. Trước biến động của tình hình chính trị trên thế giới, dự báo giá mặt hàng này tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tiếp tục tăng cao so với tháng 12/2021, trong đó dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, khô đậu tương tăng khoảng 16%, ngô tăng khoảng 9%.

Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) có tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới.

Cùng với đó là lạm phát của thế giới dự báo tăng cao, chi phí logistics tăng mạnh do giá xăng dầu tăng, giá thuê container hiện đang ở mức cao.

Giá thức ăn chăn nuôi dự báo tiếp tục tăng
Giá thức ăn chăn nuôi dự báo tiếp tục tăng. Ảnh: TL.

Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên giá thế giới tăng tác động trực tiếp tới giá thành trong nước.

Từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo quy định tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP để giảm giá thành đầu vào cho sản xuất trong nước. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu MFN của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao, hoạt động tái đàn trong nước tiếp tục được đẩy mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vừa bước vào đợt tăng giá mới.

Mức tăng phổ biến từ 200-300 đồng/kg. Hiện giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt đang dao động phổ biến khoảng 12.314,8 – 12.952,8 đồng/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt đang dao động phổ biến ở mức 12.277,5 đồng/kg.

Việc giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Trong chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đề nghị các bộ, ngành quản lý chặt chẽ các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Minh Anh (Thời báo Tài Chính Việt Nam)