Các cảng biển tại Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch, hoạt động hạn chế gây ra ùn tắc tàu tại cảng, dẫn đến lượng container đang kẹt ở đây rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được khuyến cáo lưu ý kiểm soát tốt khâu chế biến.
Các doanh nghiệp thủy sản được khuyến cáo kiểm soát khâu sản xuất. Ảnh: T.H |
Khó khăn khi cảng siết chặt
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện chi phí vận tải đến thị trường Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2021, nhưng việc đặt tàu rất chật vật. Nguyên nhân là các cảng biển tại Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn siết chặt kiểm soát dịch, hoạt động hạn chế gây ra ùn tắc tàu tại cảng, dẫn đến lượng container đang kẹt ở đây rất lớn. Việc quay vòng container rỗng bị nghẽn, tức có hàng xuất đi nhưng không có hàng hóa nhập về, chủ tàu phải chờ nên việc đặt chỗ ngắn hạn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến tàu hàng XNK từ Việt Nam đi Trung Quốc, mới đây, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng lưu ý các doanh nghiệp. Đại diện lãnh đạo công ty này cho biết, theo thông tin thị trường, chính quyền thành phố Thượng Hải và một số thành phố khác của Trung Quốc thực hiện phong tỏa thành phố để kiểm soát dịch bệnh Covid -19. Quy định về kiểm soát dịch bệnh này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng hóa thông qua các cảng ở Thượng Hải và Cảng khác tại Trung Quốc.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động các cơ sở cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cũng như hoạt động khai thác chung của các hãng tàu, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn khuyến cáo hãng tàu, đại lý hãng tàu thường xuyên chủ động nắm thông tin liên quan đến hoạt động của cảng Thượng Hải, các cảng lân cận về khả năng tiếp nhận hàng hóa; chia sẻ cập nhật thông tin về lịch khai thác tàu khi có thay đổi thời gian cập tại các cơ sở cảng của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; đảm bảo hàng hạ bãi được xếp lên tàu theo đúng kế hoạch đặc biệt là hàng lạnh, quá khổ, nguy hiểm…
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Sao Ta, chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc có thể gây thiếu nhân lực cục bộ ở các cảng Trung Quốc như đã từng xảy ra hai năm qua. Hệ lụy là lịch tàu bị co giãn, gây ùn ứ container rỗng và gây thiếu cục bộ như từng xảy ra, các hãng tàu sẽ có cớ tiếp tục tăng cao giá cước. ‘Zero Covid’ sẽ khiến còn nhiều lô hàng nhập vào Trung Quốc có dính Covid -19 và nhiều nhà xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ bị cấm cửa ngắn hạn như nhiều hãng tôm Ecuador đã từng bị trong các năm qua.
Kiểm soát chặt chất lượng hàng xuất khẩu
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, việc Trung Quốc kiên định với chính sách ‘Zero Covid’, tăng cường kiểm dịch với thủy sản đông lạnh là khó khăn chung của tất cả thị trường xuất khẩu thủy sản, không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, việc phong tỏa, kiểm dịch ở Trung Quốc cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc xuất khẩu thủy sản vì các doanh nghiệp đã quen và thích nghi với điều này trong hai năm qua.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 182 triệu USD, tăng 2,2 lần so với tháng 2. Tính chung trong quý 1/2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 326 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, dù Trung Quốc vừa trải qua làn sóng Covid -19 với số ca nhiễm mới tăng đột biến, phong tỏa nhiều thủ phủ thủy sản như Quảng Đông, Thượng Hải, siết chặt quy trình nhập khẩu thực phẩm… nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng tốt.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán BIDV, hai tuần sau khi Trung Quốc công bố việc phong tỏa nhiều thành phố, xuất khẩu thủy sản, trong đó có mặt hàng cá tra vẫn ổn định. Trong quý 1/2022, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt khoảng 65.000 tấn, tương đương 165 triệu USD, tăng 87% về lượng và tăng 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. BSC cho rằng, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại và khi đó mức tiêu thụ cá tra của nước này ngang với Mỹ.
Mặc dù, các quy định và rào cản của Trung Quốc vẫn khắt khe, đặc biệt lại được đưa ra vào thời điểm các cơ quan Hải quan của Trung Quốc thắt chặt giám sát các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu trong đại dịch Covid-19. Vấn đề lớn nhất là các doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ vệ sinh khử khuẩn nhất là khâu bốc dỡ để giảm thiểu các lô hàng có thể bị cảnh báo chỉ tiêu liên quan đến Covid -19.
Mới đây, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD) đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc thực hiện nghiêm các quy định.
Trong đó, yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp cần nghiêm túc nhận thức mức độ quan trọng của công tác kiểm soát và phòng chống Covid-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Chỉ đạo quyết liệt, sát sao các bộ phận liên quan thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, hướng dẫn của FAO, WHO.
Đồng thời, các doanh nghiệp tập trung một số biện pháp kiểm soát, như: Yêu cầu người tham gia công đoạn bao gói, bốc xếp thành phẩm ra, vào kho, lên, xuống container phải tuyệt đối mang khẩu trang 100% thời gian làm việc, thường xuyên khử trùng tay và định kỳ được xét nghiệm sàng lọc…
Lê Thu (Báo Hải Quan)