Bức tranh xuất khẩu của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tại hội nghị của ngành Thủy sản được tổ chức vào cuối tuần qua, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, bức tranh xuất khẩu của ngành thuỷ sản năm 2023 mặc dù khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn. Những khó khăn này dự kiến kéo dài từ nay đến cuối năm và sang cả năm 2024.
Cụ thể, trong nửa cuối năm 2023, tổng sản lượng toàn cầu trong nửa cuối năm có thể sẽ không tăng do nhu cầu từ thị trường chưa có tăng trưởng lớn. Trung Quốc được kỳ vọng tiếp tục là thị trường có tăng trưởng trong nửa cuối năm. Các thị trường lớn khác như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản được kỳ vọng sẽ gia tăng nhu cầu nhập khẩu dịp cuối năm khi tồn kho giảm và các ngày lễ lớn đến gần.
Việt Nam sẽ tiếp tục là nhà cung cấp tiềm năng cho các thị trường trên. Tuy nhiên, cạnh tranh vẫn sẽ gia tăng với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc cho sản phẩm chế biến và với Ecuador cho sản phẩm thường.
Về cơ hội của thủy sản Việt Nam, bà Oanh cho rằng, trong nhiều năm qua, sản phẩm thủy sản Việt Nam cạnh tranh bằng năng lực chế biến. Điều này đã giúp tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao, giá thành tốt, khắc phục hạn chế về chi phí sản xuất và vận chuyển.
Cùng với đó, Việt Nam đã dần khẳng định được vị thế với sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Anh… và duy trì tốt thị phần tại những thị trường cạnh tranh cao như Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
“Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu từ nhiều thị trường chủ lực có khả năng phục hồi tốt dịp cuối năm. Sản lượng sản xuất trong nước vẫn đang được duy trì ở mức tốt.”- bà Oanh nhận định.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10/2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).
Mặt hàng gia công xuất khẩu tăng cao
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận thấy xu hướng tích cực của nhiều mặt hàng thủy sản trong năm nay. Theo đó, một số loài cá biển thuộc dòng sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu từ các nước để gia công, xuất khẩu gồm cá minh thái, cá tuyết, cá cam có kết quả xuất khẩu cao hơn so với năm trước, thể hiện sự đa dạng hoạt động và nguồn nguyên liệu của các công ty chế biến thủy sản, tận dụng sự chuyển dịch hoạt động gia công chế biến thủy sản từ Trung Quốc sang các nước khác. Theo đó, xuất khẩu cá tuyết tăng 30%, cá cam tăng 50%…
Rõ ràng trong bối cảnh lạm phát của năm 2023 đã thúc đẩy nhu cầu của các sản phẩm thủy sản bình dân tăng, trong khi thủy sản cao cấp bị giảm. Đó là xu hướng chung của hầu hết các thị trường lớn, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đối với thị trường Trung Quốc, xu hướng khả quan hơn, sau khi dịch Covid-19 chấm dứt, giao thương trở lại bình thường. Nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm thủy sản đa dạng hơn, phục vụ cho các phân khúc thị trường khác nhau. Thị trường này cũng xuất hiện các xu hướng khác so với những năm qua. Chẳng hạn như sự bùng nổ thị trường lẩu hải sản, món cá tra nấu dưa trở nên phổ biến; nhu cầu thủy sản bền vững tăng vọt… Nhiều thay đổi của thị trường này khiến doanh nghiệp cần nhìn nhận lại Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhưng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Lê Thu (Báo Hải quan)