Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc sẽ ký một thỏa thuận vào tuần tới nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở biển Đen, theo thông báo ngày 14-7 từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ukraine, Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ca ngợi tiến bộ tại các cuộc đàm phán ở Istanbul với Nga nhằm nối lại xuất khẩu ngũ cốc ở biển Đen và giảm bớt nguy cơ khủng hoảng lương thực ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar ngày 14-7 cho biết thỏa thuận bao gồm việc kiểm soát chung để kiểm tra các chuyến hàng tại các bến cảng và Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu trên biển Đen. Ankara cũng sẽ thành lập một trung tâm điều phối với Ukraine, Nga và Liên Hiệp Quốc để xuất khẩu ngũ cốc.

Nga - Ukraine đạt được thỏa thuận hiếm hoi - Ảnh 1.
Đàm phán 4 bên về xuất khẩu ngũ cốc Ukraine tại thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 13-7. Ảnh: RT

Ông Andriy Yermak, lãnh đạo văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter: “Nhiệm vụ của trung tâm điều phối sẽ là thực hiện giám sát chung và điều phối hàng hải an toàn ở biển Đen”.

Trung tâm điều phối các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sẽ được đặt ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán bốn bên gồm Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar của nước chủ nhà cho biết trung tâm này sẽ có đại diện của tất các các bên.

Ông Akar nói: “Các bên đã đạt được một thỏa thuận liên quan tới các vấn đề kỹ thuật như kiểm soát chung tại các điểm đến và vấn đề an toàn hàng hải trên các tuyến đường vận chuyển”. Theo ông Akar, thỏa thuận nêu trên sẽ được ký vào tuần tới, khi tất cả các bên nhóm họp lần nữa.javascript:void(0)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tỏ ra lạc quan và bình luận trong đêm: “Phái đoàn Ukraine đã báo cáo với tôi rằng có tiến triển. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ thống nhất các chi tiết với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc”.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp với Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy các bên đạt được một thỏa thuận nhằm giải quyết tình trạng giá cả các mặt hàng như ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine từ cuối tháng 2.

Không chỉ là nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu, Nga còn là một trong những nhà xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Ukraine là nhà cung cấp hạt cải dầu, bắp hàng đầu và chiếm 52% thị trường xuất khẩu dầu hướng dương của thế giới. Việc đạt được thỏa thuận về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc được coi là điều quan trọng đối với an ninh lương thực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển, và để ổn định thị trường.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres tỏ ra thận trọng khi cảnh báo vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” để đạt được hòa bình, chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Chúng tôi đã chứng kiến một bước tiến quan trọng” – ông Guterres nói với các phóng viên sau cuộc họp 4 bên hôm 13-7 ở Istanbul bàn về tình hình liên quan tới việc xuất khẩu số ngũ cốc tồn đọng ở Ukraine.

Huệ Bình (Người Lao động)