Lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến đơn hàng thủy sản giảm, tỷ lệ tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm. Trong khi đó, không chỉ các gói ưu đãi lãi suất khó tiếp cận, các ngân hàng thương mại lại cắt giảm hạn mức tín dụng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Vạ lây khi ngân hàng cắt giảm hạn mức
Khó khăn là tình trạng chung của nhiều ngành hàng xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm tại nhiều quốc gia dưới áp lực của lạm phát. Trong đó, thủy sản cũng là ngành đang dần “thấm đòn” sau giai đoạn tăng trưởng mạnh nửa đầu năm.
Không chỉ về yếu tố thị trường, ngành thủy sản cũng bị vạ lây bởi những mất ổn trên thị trường tài chính Việt Nam gần đây.
Chia sẻ với người viết, ông Huỳnh Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty CP Camimex Group, cho biết vướng mắc trong cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại đang là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp thuỷ sản.
“Đối với doanh nghiệp thủy sản, trong đó Camimex, nhu cầu về vốn là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước đang thắt chặt vấn đề giải ngân nên những doanh nghiệp dù còn hạn mức nhưng ngân hàng không tiếp tục giải ngân mà lại cắt hạn mức của doanh nghiệp.
Trong khi đó, hiện nay vào mùa cao điểm sản xuất, xuất khẩu để khách hàng bán vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn càng cao nên việc ngân hàng không giải ngân và thu hồi các khoản tín dụng cũ đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp”, ông Tấn chia sẻ.
Đây không phải là trường hợp riêng của một vài đơn vị. Tại công văn VASEP gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng cho biết từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Có doanh nghiệp đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công vì thiếu vốn.
TS. Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Sao Ta đánh giá: “Cái khó cho DN không đơn thuần là đơn hàng, là việc làm, là thu nhập người lao động khi Tết tới. Các DN có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Các DN ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho thì lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn.
Giải pháp không ai muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền. Nhưng đó là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút mắc mứu trước mắt nhưng hệ quả thì không lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa hẹn điểm dễ thở hơn. Lỗ lã sẽ kéo dài…
Tình hình này đã diễn ra ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008, hệ quả sau đó ít năm, khá nhiều DN thủy sản đã bỏ cuộc chơi, thậm chí có doanh nghiệp lớn”.
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu chính như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu,… đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá tại nhiều thị trường, khiến sức mua của người dân giảm sút, ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng của doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
“Thị trường nhập khẩu của các nước gần như bị “đứng” lại, một số khách hàng chưa dám nhập nhiều hàng cho dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch sắp tới. Tại châu Âu, người dân đang có xu hướng chi tiêu cho vấn đề năng lượng nhiều hơn ăn uống nên đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm, công suất nhà máy chỉ còn hoạt động khoảng 30%”, Tổng giám đốc Camimex Group cho hay.
Cũng theo các doanh nghiệp, với tình hình sức tiêu thụ giảm, nhà nhập khẩu tồn kho lớn nên đã yêu cầu dừng nhận các đơn hàng hoặc lùi giao hàng dù đơn hàng đã ký kết, dẫn đến các doanh nghiệp bị tồn kho tại Việt Nam, tiền nằm trong hàng, không có hoặc dòng tiền về sụt giảm.
Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đối diện tình cảnh đói vốn thì việc tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không phải đơn giản.
Theo Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, để nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Cafatex, cho biết: “Chúng tôi cần rất nhiều vốn để sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nhưng không thể tiếp cận gói ưu đãi dù tổng tài sản của doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện doanh nghiệp vẫn phải vay và chi trả theo lãi suất thương mại. Khi doanh nghiệp đề cập muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi thì ngân hàng nói phải chờ. Chúng tôi không biết phải chờ đến bao giờ, trong khi vẫn phải chi trả tiền hàng, tiền nhân công, điện, nước và các chi phí khác”.
Giải pháp ứng phó
Trước tình hình hiện nay, ông Huỳnh Văn Tấn cho rằng các doanh nghiệp thủy sản cần được nới “room” tín dụng, bởi đây là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn đem về lượng ngoại tệ lớn nên cần được tiếp cận dễ dàng các ưu đãi về thuế, lãi suất… trong thời điểm khó khăn hiện nay,
Còn ở góc độ hiệp hội, mới đây, VASEP đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Cụ thể, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023.
Chính phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.
Như Huỳnh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)