Khác mọi năm, đến rằm tháng 2, nông dân nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây vẫn ngại xuống giống vì thời tiết bất lợi, dịch bệnh tăng cao; trong khi giá tôm đang cao kỷ lục.

Với 6 ha đất, ông Long Văn Nghĩa, 45 tuổi, ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) có hơn 20 ao nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trên hồ nổi, tỷ lệ thành công các năm trên 80%. Trái với không khí tất bật các vụ nuôi trước, trang trại của ông đang khá căng thẳng vì lo dịch bệnh.

1/ Ông Long Văn Nghĩa kiểm tra tôm nuôi siêu thâm canh hơn 30 ngày tuổi trong trang trại. Ảnh: An Minh
Ông Long Văn Nghĩa kiểm tra tôm nuôi siêu thâm canh hơn 30 ngày tuổi trong trang trại. Ảnh: An Minh

Ông Nghĩa cho biết từ sau Tết đến tháng 4, thông thường ông cũng như người dân địa phương sẽ xuống giống toàn bộ diện tích vụ tôm chính được kỳ vọng nhất trong năm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết bất lợi nên ông chỉ thả 7 ao thay vì 12 như năm ngoái.

Hiện tôm thẻ chân trắng có giá 140.000-230.000 đồng mỗi ký, tùy kích cỡ; tôm sú loại lớn giá 250.000-260.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua. Theo ông Nghĩa, nếu trừ chi phí đầu tư khoảng 100.000 đồng mỗi ký, nông dân sẽ lãi đậm nhưng không có tôm để bán bởi trước Tết, nhiều người đã “treo” ao.

Nông dân này cho biết do mưa, nắng thất thường kèm gió lớn dịch bệnh đốm trắng đầu vàng, ký sinh trùng trên tôm dễ phát triển nên nhiều người chưa dám xuống giống mới. Nhờ nuôi công nghệ cao, quản lý nghiêm ngặt, ao nuôi của ông ít thiệt hại, nhưng chi phí sẽ đội lên 10-20% “Đối với các ao đất, nếu thả tôm thời điểm này thì tỷ lệ thành công rất thấp, dưới 40%”, ông Nghĩa nói.

Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2022, tôm thiệt hại do dịch bệnh hơn 7.000 ha; thiệt hại do môi trường, thời tiết hơn 6.300 ha. Từ đầu năm đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 17 xã của 6 tỉnh, thành phố, tổng diện tích tôm mắc bệnh khoảng 53 ha; bệnh đốm trắng được ghi nhận tại 18 xã của 4 tỉnh, thành, diện tích trên 38 ha.

Ngoài thời tiết không thuận lợi, ông Nguyễn Văn Hoạt, 60 tuổi, ở TP Bạc Liêu cho biết tình trạng nước mặn bị thiếu cùng với giá thuốc, hoá chất, thức ăn cho tôm tăng 20-30% cũng là lý do khiến nhiều nông dân không mặn mà xuống giống. “Do chi phí đầu tư mỗi ao tôm tăng 40-50 triệu đồng nên vụ này tôi chỉ thả 5 ao (1.000-1.200 m2), giảm một nửa so với năm rồi”, ông Hoạt nói.

Trước tình hình trên, nhiều nông dân chọn cách “treo” ao hoặc chuyển đổi hình thức nuôi để giảm thiệt hại. Ông Trần Quang Hiên, 67 tuổi, ở TP Cà Mau cho biết do độ mặn thấp, dưới 10 phần nghìn, nên ông không xuống giống tôm sú trong 4 ao thâm canh như mọi năm, thay vào đó ông thả quảng canh để giảm rủi ro.

“Độ mặn giảm, nếu thả giống gặp mưa, con tôm không phát triển được, thậm chí thất bại”, ông Hiên nói, cho biết độ mặn thích hợp để nuôi tôm là 10-15 phần nghìn.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết do mùa mưa kết thúc muộn, gần đây lại xuất hiện mưa trái mùa nên nhiều nông dân có tâm lý ngại xuống giống tôm do lo dịch bệnh bùng phát. So cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ xuống giống năm nay chậm, chỉ đạt hơn 70% trong tổng số khoảng 6.200 ha tôm nuôi thâm canh và siêu thâm canh của tỉnh.

Trước tình hình sản xuất nhiều bất lợi, ngành nông nghiệp các tỉnh miền Tây đề nghị nông dân thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của ngành chức năng. Trước khi xuống giống, người nuôi tôm cần tăng cường cải tạo ao đầm, hoặc chuyển đổi hình thức phù hợp tránh rủi ro.

An Minh (vnExpress)