Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang chịu mức thuế 0-0,14 USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết luận hồi tháng 9/2022.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) đã có kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào Mỹ, giai đoạn 1/8/2021 – 31/7/2022.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc gồm CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg.
Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là I.D.I CORP, CTCP Thủy sản Cafatex, CTCP Thủy sản Lộc Kim Chi và CTCP Hùng Vương.
VASEP đánh giá mức thuế sơ bộ lần này giảm so với mức thuế chống bán phá giá 2,39 USD/kg vào tháng 9/2022, áp dụng cho hầu hết doanh nghiệp trong diện điều tra.
Tính tới 15/8, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 169 triệu USD, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường không mấy lạc quan của cá tra Việt Nam trong những tháng đầu năm nay do lạm phát và tồn kho cao, kinh tế suy giảm.
Tuy nhiên, mùa lễ hội cuối năm, tồn kho giảm dần, kết quả tích cực sau đợt thanh tra của FSIS sẽ tạo tâm lý tích cực cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sang Mỹ trong những tháng cuối năm.
Về mảng thủy sản nói chung, VASEP cho biết Mỹ luôn là đối tác nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Vào năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt kỷ lục 2,15 tỷ USD, tăng 80% so với cách đó 10 năm, trước thời điểm Việt Nam – Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013.
Riêng mảng cá tra, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 50%, từ 359 triệu USD lên 537 triệu USD.
VASEP kỳ vọng thương mại thủy sản của Việt Nam với Mỹ có các bước đột phá và bền vững hơn sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và Đoàn đại biểu cấp cao Mỹ, cùng với Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hoàng Anh (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)