Chuyên gia phân tích của ngân hàng Rabobank cho rằng nếu nguồn cung tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay trong khi nhu cầu đi xuống, giá có thể giản xuống mức hoà vốn. Trên thực tế, điều này đã xảy đối với một số quốc gia nuôi tôm trên thế giới.

Theo Seafood Source, các chuyên gia phân tích của bộ phận RaboResearch thuộc ngân hàng Rabobank nhận định nhu cầu thuỷ sản sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh chi phí sản xuất liên tục tăng cao. Điều này dẫn đến lợi nhuận của người nuôi cá hồi và tôm có khả năng giảm sút.

Ông Gorjan Nikolik, chuyên gia phân tích ngân hàng Rabobank cho biết động lực tăng trưởng ngành thuỷ sản suy yếu dần ở cả hai thị trường EU và Mỹ. Nhu cầu thuỷ sản của ngành hàng dịch vụ ăn uống có thể giảm từ nay đến cuối năm.

Trong nửa đầu năm nay, nhu cầu và giá cả của hai mặt hàng cá hồi và tôm đều ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, nguồn cung của hai mặt hàng này lại có sự phân hoá. Trong khi nguồn cung tôm dồi dào trong 6 tháng đầu năm 2022 thì với cá hồi lại giảm mạnh nhất kể từ năm 2016. 

“Thời gian tới, giá cá hồi và tôm sẽ điều chỉnh từ mức cao kỷ lục”, ông Gorjan Nikolik cho biết. 

Tuy nhiên, nhu cầu thuỷ sản ngày một tăng ở thị trường Trung Quốc sẽ là tin vui đối với các công ty xuất khẩu tôm và cá hồi, đặc biệt là trong quý IV, khi quốc gia này nới lỏng quy định chống dịch COVID-19.

“Nhu cầu tại Mỹ vẫn đang tốt thế nhưng đã xuất hiệu dấu hiệu đi xuống đối với ngành dịch vụ ăn uống. Đây có thể là khởi đầu cho một giai đoạn dài đầy thách thức đối với thị trường thuỷ sản Mỹ”, ông Nikolik nói. 

Tại Châu Âu, các dấu hiệu về suy thoái kinh tế ngày một rõ trong khi khu vực này lại đang trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, khiến nhu cầu tại thị trường này trở nên khó đoán định hơn. 

Tại Nam Mỹ, Ecuador vẫn đang tăng sản lượng tôm và nguồn cung cá hồi của Chile dự kiến sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022, Rabobank cho biết. 

Một số quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia ghi nhận xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay.

“Trung Quốc vẫn là động lực tiềm năng cho ngành thuỷ sản toàn cầu, đặc biệt là tôm và cá hồi trong quý IV/2022”, Rabobank nhận định. 

Ngân hàng này dự báo chi phí thức ăn nuôi thuỷ sản, cước tàu và năng lượng sẽ duy trì ở mức cao và thậm chí còn tăng hơn nữa trong 6 tháng cuối năm. Rabobank cho rằng nông dân nuôi cá hồi toàn cầu sẽ được hưởng lợi nhuận lớn vì giá cao. Trái lại với ngành tôm, nếu nguồn cung tiếp tục tăng trong nửa cuối năm nay trong khi nhu cầu đi xuống, giá có thể giản xuống mức hoà vốn. Trên thực tế, điều này đã xảy đối với một số quốc gia nuôi tôm trên thế giới.

Nikolik cho biết: “Chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành tôm nhưng ngắn hạn sẽ là một giai đoạn đầy thách thức”.

Theo ông Gorjan Nikolik, biên lợi nhuận của người nông dân trong năm 2022 giảm mạnh. 

“Nếu như biên lợi nhuận của người nuôi tôm trong năm 2021 đạt tới 40% thì con số ấy đang giảm mạnh trong năm nửa đầu năm 2022 và nguy cơ bị âm nếu không thể kiểm soát được chi phí đầu vào trong khi giá vẫn tiếp tục giảm”, ông Gorjan Nikolik nói.

Năm 2021, nguồn cung tôm tăng tới 17,6% và đà tăng trưởng này tiếp tục kéo dài trong năm 2022. Ngân hàng Rabobank dự báo nguồn cung tôm trên toàn cầu có thể vượt 5 triệu tấn trong năm 2022, cao hơn 1 triệu tấn so với 2 năm trước. 

Tuy nhiên, ông Gorjan Nikolik cho rằng điều này đồng nghĩa nông dân có thể đối mặt với giai đoạn khó khăn. Chi phí liên tục tăng, đặc biệt là các khoản như thức ăn chăn nuôi, giá cước tàu và năng lượng.

Giá thức ăn cho tôm tăng tới 30% kể từ năm 2019 và xu hướng này có thể vẫn tiếp diễn trong vòng 2 – 3 năm tới. Thời điểm hiện tại, giá cước vận tải cũng tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

H.Mĩ (Doanh Nghiệp & Kinh Doanh)